Khi trẻ ăn được nhiều về số lượng mà tăng cân chậm thì cần phải xem xét về chất lượng bữa ăn.
Nếu trẻ ăn gạo nhiều, dưới dạng bột cháo, cơm, nhưng ít thức ăn động vật, đậu đỗ, rau xanh thiếu dầu mỡ thì không đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho trẻ hoạt động và phát triển nên trẻ chậm lớn.
Nếu trẻ ăn nhiều thịt, cá, trứng, uống nhiều sữa nhưng lại ăn rất ít bột, cháo, cơm hoặc bà mẹ và người nuôi trẻ khi chế biến bữa ăn cho trẻ chỉ cho rất ít bột, gạo mà quá nhiều chất đạm (thịt, cá, đậu đỗ…) trẻ vẫn có thể bị suy dinh dưỡng do thừa đạm (khi chuyển hóa sinh nhiều sản phẩm trung gian không tốt cho cơ thể) mà lại thiếu năng lượng.
Chế độ ăn thiếu chất béo vì nhu cầu chất béo của trẻ ở độ tuổi này là rất cao. Để tăng cân tốt hơn các bà mẹ nên thêm 1 – 2 muỗng dầu ăn hay mỡ vào mỗi bát (chén) bột, cháo của trẻ. Nên chọn các loại dầu hạt (dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu đậu nành) và mỡ gà ta hay mỡ lợn thăn cho trẻ.
Ngoài ra, một số trẻ có chuyển hoá cơ bản tăng, trẻ ăn nhiều nhưng tăng cân chậm. Trẻ quá hiếu động (trẻ tăng động): hoạt động quá mức cũng chậm tăng cân.
Khi trẻ bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tim bẩm sinh hoặc trẻ mắc các bệnh kí sinh trùng (giun, sán, giardia), những trẻ thường xuyên bị táo bón, rối loạn tiêu hóa sẽ bị chậm lớn mặc dù dinh dưỡng đầy đủ.
Cần đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân và có lời khuyên phù hợp.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia