Khi có thai, đi khám thai là việc làm rất cần thiết để người mẹ biết được sức khoẻ của mẹ có đảm bảo tốt cho sự phát triển của con hay không và biết cách tự chăm sóc bản thân về sức khỏe, để có các can thiệp kịp thời khi cần thiết. Ví dụ: thai suy dinh dưỡng do ăn uống kém thì người mẹ cần ăn uống tốt hơn, hoặc người mẹ có biểu hiện phù thì cần phải ăn nhạt và đi thử nước tiểu.
Trong suốt thời kỳ mang thai, phụ nữ có thai nên khám thai ít nhất là 3 lần, cứ 3 tháng 1 lần.
Lần 1: Khám thai trong 3 tháng đầu
Mục đích: Để xác định có thai không và đăng ký quản lý thai, thai bình thường hay thai bệnh lý như chửa ngoài tử cung, chửa trứng…. Ở giai đoạn này chẩn đoán trước sinh cũng có vai trò quan trọng trong việc phát hiện các dị tật bẩm sinh, được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, lao động và vệ sinh. Giai đoạn này có ảnh hưởng quyết định đến cả cuộc đời đứa trẻ, là giai đoạn hình thành thai nhi, hoàn thiện các bộ phận của thai nhi.
Lần 2: Khám thai trong 3 tháng giữa.
Mục đích: Theo dõi sự phát triển của thai xem có bình thường không và phát hiện được sớm các biểu hiện bất thường của cả mẹ và con như:
• Đối với mẹ: Nếu bị mắc bệnh từ trước như bệnh tim, bệnh thận, bệnh cao huyết áp thì các biểu hiện bệnh sẽ nặng lên.
• Đối với con: Đánh giá sự phát triển của thai nhi, phát hiện các dị tật bẩm sinh.
Bà mẹ được khám và tư vấn về phòng chống thiếu máu; chế độ ăn, việc sử dụng thuốc, kiểm tra sự tăng cân.
Lần 3: Khám thai trong 3 tháng cuối
Mục đích: Theo dõi sự phát triển của thai nhi, sự tăng cân của người mẹ, tiên lượng cuộc đẻ, tư vấn dinh dưỡng và chọn nơi sinh, đặc biệt về phía người mẹ cần phải phát hiện sớm các biểu hiện bất thường như: rau tiền đạo, tiền sản giật thông qua dấu hiệu ra máu âm đạo, huyết áp cao, thử nước tiểu có albumin không và mức độ phù nhằm xử trí kịp thời.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia