Nguyên nhân thường gặp là do trẻ ngậm bắt vú kém. Trẻ không ngậm đủ quầng thâm vú mẹ vào miệng mà chỉ mút ở núm vú cho nên không hút được sữa, hoặc đôi khi mẹ dứt trẻ ra khỏi vú quá nhanh trong khi đang ngậm chặt đầu vú đều có thể làm tổn thương da núm vú, gây nứt núm vú, nứt ngang núm vú hoặc nứt xung quanh núm vú thường gọi là nứt cổ gà. Mới đầu chỉ là một vết nứt nhỏ, nếu bà mẹ không chữa trị kịp thời vết nứt sẽ lan dài quanh chân núm vú, gây đau đớn cho mẹ và mất vệ sinh cho bé.
Khi bị nứt cổ gà, nếu không điều trị sớm sẽ gây viêm vú hay áp xe vú. Viêm vú càng dễ xảy ra nếu sữa ứ lại không được lấy ra. Vì vậy, mẹ nên:
- Dùng ngay chính những giọt sữa của mẹ để thoa nhẹ lên đầu núm vú cũng sẽ nhanh chóng đem lại hiệu quả, vì trong sữa mẹ có chứa thành phần vitamin E và các chất kháng thể có tác dụng bảo vệ làn da, giúp các vết thương mau lành. Tuy nhiên, cần lưu ý không bao giờ nên dùng dầu vitamin E để thoa lên núm vú vì như vậy sẽ khiến bé rất dễ bị ngộ độc.
- Không dùng túi trà để đắp lên núm vú với hi vọng vết thương sẽ mau lành hơn, vì trong trà có chứa chất tanin khiến vùng da ở vú bị se lại, khô hơn và càng dễ bị nứt hơn. Có thể dùng túi chườm ấm chườm lên núm vú.
- Tránh dùng xà bông, cồn, mỹ phẩm hay nước hoa ở vú bởi nó có thể gây ngộ độc cho bé.
- Việc lau vú bằng nước ấm sau khi cho con bú cũng có tác dụng phòng “nứt cổ gà”.
- Nên hạn chế mặc áo lót. Điều này rất quan trọng vì núm vú được tiếp xúc với không khí, hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn (thường phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt, yếm khí).
- Dùng thuốc giảm đau: Nếu cảm giác đau đớn không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau trước khoảng 30 phút khi cho bé bú. Tuy nhiên về việc lựa chọn loại thuốc giảm đau nào và liều lượng cũng như cách sử dụng ra sao bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
- Sửa lại tư thế bú để trẻ ngậm bắt vú tốt, sao cho cả mẹ và bé đều cảm thấy thật thoải mái.
- Sau khi cho bú xong, để trẻ tự nhả vú ra, bôi sữa mẹ lên chỗ vú nứt sẽ giúp da mau lành.
- Nếu trẻ bú chưa tốt, hoặc núm vú bị nứt rõ và đau nhiều, nên điều trị ngay và hạn chế cho bé bú kẻo vết thương ngày càng đứt rộng. Cần phải vắt sữa, cho uống bằng cốc hoặc bằng thìa. Khi mẹ đỡ đau thì cho trẻ bú trở lại.
- Khi bị viêm vú hay áp xe vú với triệu chứng điển hình là bầu vú sưng nóng, đau mình, sốt, sợ rét cần đi khám tại cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia
0
0
đánh giá
Đánh giá bài viết