Cà rốt thuộc loại củ, trong đời sống hàng ngày cà rốt được dùng như một loại rau thông dụng. Ngoài vai trò là rau, cà rốt còn được dùng như một vị thuốc trong phối hợp điều trị một số bệnh. Cà rốt chứa Caroten còn gọi là tiền vitamin A. Lượng Caroten hấp thụ vào sẽ được cơ thể chuyển hóa một phần thành vitamin A ở ruột và gan. Ngoài ra, cà rốt cũng là loại thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng khác như vitamin A, B, C, D, E, acid folic, kali và sợi pectin. Những nguyên tố như canxi, đồng, sắt, magiê, mangan, phốt pho, lưu huỳnh cũng có trong cà rốt và dạng dễ hấp thu vào cơ thể. Trong cà rốt còn chứa nhiều chất chống oxy hóa quan trọng như: Beta-caroten, Alpha-carotene, Phenolic acid, Glutathione… đã được chứng minh có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư…. Cà rốt đã nấu chín hay xay ép thành nước đem lại nhiều chất dinh dưỡng hơn so với ăn sống.
Thành phần dinh dưỡng: Trong 100g cà rốt chứa: 39 Kcal; 1,5g chất đạm 0,2g chất béo (không có cholesterol); 4,5g đường, 43mg canxi, 52 mg natri; 1,2g chất xơ; 266 mg kali; 12 mg magiê; 150 mg đồng; 8.285 mcg beta-caroten; 3.477 mcg alphacarotene….
Nhưng ăn cà rốt nhiều không phải tốt
Nếu ăn hay uống cà rốt quá nhiều hoặc quá lâu, lượng Caroten đưa vào quá cao, cơ thể không chuyển hóa hết sẽ ứ đọng ở gan, có thể gây vàng da, đầy bụng, chán ăn, khó tiêu và mệt mỏi. Vàng da thể hiện rõ nhất ở gan bàn tay, bàn chân. Tình trạng này không gây nguy hiểm gì và dễ kiểm soát (khác với ngộ độc vitamin A gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, ói, khô tróc da…). Chỉ cần ngưng hay giảm ăn cà rốt một thời gian sẽ hết vàng da và các triệu chứng khác. Do vậy mỗi tuần chỉ cho trẻ ăn cà rốt 1-2 lần, mỗi lần nửa củ to hoặc 1 củ nhỏ (50g) là vừa. Trong ngày nếu đã sử dụng các thực phẩm chứa nhiều caroten khác cho trẻ như: đu đủ chín, gấc… thì không nên cho ăn cà rốt nữa.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia