Thuốc bảo vệ thực vật là các loại hoá chất độc, giết chết được sâu bọ nên cũng là chất độc đối với con người. Các hoá chất bảo vệ thực vật thường có thời gian tồn tại nhất định trên bề mặt cây cối, hoa quả, trong đất trồng. Một số từ đất được rễ cây hút lên trên lá, hoa, tích luỹ trong cây nên các sản phẩm thu hoạch có một lượng tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật. Nhiều người khi sử dụng lại phun trực tiếp hoá chất bảo vệ thực vật lên nông sản ngay trước ngày thu hoạch hoặc ngâm rau quả vào thuốc để bảo quản lâu ngày hoặc kích thích hoa quả chín nhanh. Những việc trên là căn nguyên làm tăng đáng kể dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật trong các sản phẩm rau, hoa quả trên thị trường, ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, có thể gây ngộ độc khi sử dụng.
Tuỳ theo mức độ lượng hoá chất bảo vệ thực vật thâm nhiễm nhiều hay ít vào cơ thể, triệu chứng ngộ độc biểu hiện: chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, buồn nôn, tức ngực, khó thở, hôn mê và nặng có thể dẫn đến tử vong. Bộ y tế đã có quyết định 46/2007/ QĐ/BYT quy định lượng tồn dư tối đa của 178 loại hoá chất bảo vệ thực vật.
Ví dụ: Thuốc Lindan: tồn dư tối đa trong sữa: 0,01mg/kg. Thuốc Methamidophos: tồn dư tối đa trong súp lơ, bắp cải: 0,05 mg/kg.
Quá giới hạn tồn dư quy định sẽ không được sử dụng vì ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia