Mẹ bầu dễ dàng cảm nhận được nhiều thay đổi trong sự phát triển thai nhi tuần 6. Hãy cùng chúng tôi khám phá và tìm hiểu xem, bé yêu của bạn trông như thế nào ở giai đoạn này của thai kỳ nhé!
Sự phát triển thai nhi tuần 6 như thế nào?
Khi được 6 tuần tuổi, bé đã có hình dáng rõ ràng hơn. Kích thước cũng đã lớn hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Chiều dài của bé là khoảng 0.6cm, có kích thước nhỏ như một hạt đậu. Cơ thể bé bắt đầu phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, rất nhiều bộ phận trên cơ thể đã được hình thành.
Bàn tay và bàn chân bé bắt đầu hình thành từ tuần thứ 5, nay đã có kích thước lớn hơn và có hình dáng rõ ràng hơn. Khuôn mặt dần được định hình với sự xuất hiện của mắt và mũi.
Ở tuần thứ 6 của thai kỳ, mắt của bé là 2 đốm đen chiếm đến ¼ diện tích khuôn mặt. Hai mắt còn tách khá xa nhau nhưng sẽ dần ổn định trong các tuần kế tiếp. Lỗ mũi và chóp mũi xuất hiện giữa các tĩnh mạch nổi bật trên lớp da mỏng manh của bé.
Trong tuần thứ 6, van tim của bé cũng đã hình thành, thay thế cho quả tim thô sơ tại tuần 4 và 5.
Tim thai ở tuần thứ 6 là bao nhiêu?
Hệ tuần hoàn của bé hoạt động tích cực hơn khi bước sang tuần thứ 6 của thai kỳ. Nhịp tim của bé dao động từ 120 đến 160 nhịp/phút, gấp đôi người bình thường. Nếu nhịp tim của bé vượt quá khoảng này, thai nhi có thể đang gặp tình trạng thiếu oxy.
Dấu hiệu bà bầu mang thai 6 tuần
Cùng với sự phát triển thai nhi tuần 6, cơ thể mẹ cũng có những thay đổi rất mạnh mẽ. Một số dấu hiệu dễ nhận biết khi bà bầu mang thai 6 tuần như:
- Ốm nghén
Phụ nữ có thai sẽ phải thường xuyên đối mặt với các cơn buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và chán ăn khi bước sang tuần thứ 6 của thai kỳ. Một phần nguyên nhân của hiện tượng này là do tử cung đã tăng kích thước gấp đôi so với 5 tuần trước.
Tùy vào cơ thể của mẹ mà tình trạng ốm nghén của mẹ có thể nặng nhẹ khác nhau. Nếu mẹ bầu ốm nghén quá nặng, không thể ăn uống và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé, mẹ bầu cần phải đến thăm khám bác sĩ kịp thời.
- Đi tiểu nhiều hơn
Khi mang thai ở tuần thứ 6, thận của mẹ bầu phải xử lý một lượng chất lỏng và lượng máu tăng hơn gấp nhiều lần so với bình thường. Hơn nữa, ở giai đoạn này kích thước của tử cung cũng có sự gia tăng đáng kể. Đây là nguyên nhân khiến mẹ bầu muốn đi tiểu nhiều hơn khi mang thai.
- Tâm trạng thay đổi thất thường
Sự thay đổi về hormone trong cơ thể, những áp lực từ các cơn ốm nghén khiến tâm trạng mẹ bầu thay đổi khá thất thường. Nhiều phụ nữ mang thai 6 tuần dễ xúc động, vui buồn lên xuống, dễ khóc, dễ cười và dễ nổi nóng, khó chịu.
Lời khuyên dành cho mẹ bầu mang thai 6 tuần tuổi
Mang thai là công việc thiêng liêng nhưng cũng rất nguy hiểm đối với phụ nữ. Làm gì để tốt cho mẹ và thai nhi là điều mà tất cả mẹ bầu đều quan tâm. Sau đây là những lời khuyên dành cho mẹ bầu ở giai đoạn tuần thứ 6 của thai kỳ.
- Mẹ bầu cần đi khám thai ở tuần thứ 6
Ở tuần thứ 6, tim thai của bé đã rõ ràng hơn rất nhiều. Nếu mẹ bầu đã đi khám thai ở các tuần trước đó vẫn chưa thấy tim thai thì từ khi mang thai ở tuần thứ 6 nên đi khám lại để chắc chắn rằng bé yêu của bạn khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Mẹ bầu gặp những vấn đề sau, việc thăm khám bác sĩ phải được ưu tiên hàng đầu: mẹ cần sử dụng thuốc Tây y để trị bệnh, mẹ bầu bị động thai, hoạt động quá mạnh, ra máu bất thường,…
Nếu có bất kỳ khó khăn hay thắc mắc nào liên quan đến sự phát triển thai nhi tuần 6, mẹ cần liên lạc ngay đến các bác sĩ để nhận được tư vấn kịp thời. Với sự phát triển của các phương tiện liên lạc như hiện nay thì điều này là không quá khó.
- Mang thai 6 tuần cần làm những xét nghiệm nào?
Trong lần khám thai đầu tiên, mẹ bầu cần tiến hành một số xét nghiệm cần thiết để có được các thông tin về sức khỏe cho cả mẹ và bé. Chẳng hạn như: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để xác định nhóm máu, yếu tố Rh và khả năng miễn dịch của mẹ đối với một số bệnh (nếu đã được tiêm chủng trước đó),… Mẹ bầu nên liên lạc trực tiếp với các bác sĩ để có thêm chi tiết về những xét nghiệm này.
- Mang thai 6 tuần nên ăn gì?
Sẽ rất sai lầm nếu mẹ bầu bổ sung quá nhiều calo khi thai kỳ mới ở tuần thứ 6. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lúc này cơ thể mẹ bầu cần khoảng 2000 calo/ngày là đủ để cả mẹ và bé khỏe mạnh.
Một số dưỡng chất cần thiết cho thai kỳ ở giai đoạn này như: sắt, canxi, acid folic, protein, vitamin D. Vì thế, bà bầu nên chú trọng chọn các loại thực phẩm giàu các loại vitamin và khoáng chất kể trên để bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày.
Để ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc chứng tiểu đường, mẹ bầu nên chia nhỏ các bữa ăn. Mỗi ngày ăn ba bữa chính và ba bữa ăn nhẹ là hợp lý. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần lưu ý tránh ăn các thực phẩm chưa được nấu chín, các loại thực phẩm lên men hay đồ hộp và tuyệt đối không được ăn kiêng. Việc ăn kiêng gây thiếu hụt dinh dưỡng sẽ đem lại nhiều tác hại hơn là lợi ích cho thai nhi.
- Giữ cho tâm trạng luôn vui vẻ và ổn định
Căng thẳng (stress) kéo dài là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sảy thai. Vì vậy, ngoài một chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý, điều cần thiết là mẹ bầu cần giữ được tâm lý thoải mái, thư giãn khi mang thai. Hãy dành thời gian cho những sở thích cá nhân của mình và nghỉ ngơi khi cần thiết.
- Có nên uống vitamin, sắt và canxi khi mang thai 6 tuần không?
Rau củ và các loại thực phẩm chứa hàm lượng vitamin, khoáng chất tự nhiên vô cùng dồi dào. Thông minh trong cách xây dựng thực đơn sẽ giúp mẹ bầu bổ sung đầy đủ dinh dưỡng giúp thai nhi khỏe mạnh và phát triển tốt.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mẹ bầu cần bổ sung thêm sắt, canxi, vitamin từ các viên uống tổng hợp. Việc này nên hay không, sử dụng liều lượng như thế nào là hợp lý vẫn nên có sự tư vấn và chỉ định từ bác sĩ là tốt nhất.
Mẹ bầu không nên tự ý uống viên sắt, canxi hay các loại vitamin. Việc lạm dụng quá nhiều viên uống này cũng không đem đến lợi ích, thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé.
Trên đây là những lưu ý dành cho mẹ bầu để sự phát triển thai nhi tuần 6 được diễn ra tốt nhất. Hy vọng qua bài viết, các mẹ đã trang bị thêm cho mình những kiến thức hữu ích cho một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.