Như vậy là mẹ và bé đã cùng nhau bước vào tuần thứ 38 của thai kỳ. Từ thời điểm này trở đi, mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời của bé bất cứ lúc nào. Sự phát triển thai nhi tuần 38 trong bài viết sau đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho mẹ bầu.
Thai nhi 38 tuần phát triển như thế nào?
Thai nhi 38 tuần tuổi có cân nặng đạt chuẩn khoảng 3.2kg. Các chỉ số thai 38 tuần tuổi theo chuẩn WHO như:
- Chiều dài từ đầu đến chân: 49.8cm.
- Đường kính lưỡng đỉnh: 92mm.
- Chiều dài xương đùi: 71mm.
Sự hình thành và phát triển các cơ quan hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ thần kinh của bé gần như đã được hoàn thiện. Lớp mỡ dưới da bé cũng được tích thêm. Da bé trở nên hồng hào hơn. Khả năng kiểm soát thân nhiệt của bé trở nên tốt hơn từ tuần thai kỳ này. Ở tuần thứ 38 của thai kỳ, bé đã sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ.
Điểm nổi bật trong sự phát triển thai nhi tuần 38 chính là sự tăng cường và phát triển của các dây thanh âm. Giờ đây bé đang chuẩn bị để cất lên tiếng khóc đầu đời. Chắc hẳn là mẹ cũng đang rất hào hứng được lắng nghe tiếng con đúng không nào?
Những thay đổi của cơ thể mẹ bầu mang thai 38 tuần
Tuần thứ 38 của thai kỳ, bụng mẹ bắt đầu tụt xuống do bé đã nằm quay đầu xuống chuẩn bị chào đời. Do đó, mẹ cũng sẽ cảm thấy nặng nề, mệt mỏi hơn mỗi khi thay đổi tư thế và di chuyển.
Sự phát triển của thai nhi gây áp lực lên bàng quang khiến mẹ đi tiểu nhiều hơn. Cũng chính do tiểu tiện nhiều lần mà phần lớn mẹ bầu bị mất ngủ thường xuyên trong những tuần cuối này.
Bàn chân và mắt cá chân của mẹ bầu bị phù nề do máu lưu thông không được tốt. Mẹ bầu nên tránh đứng một chỗ trong thời gian dài. Thêm vào đó, mẹ cũng nên mặc quần áo, đi giày dép rộng rãi, thoải mái để máu lưu thông tốt hơn.
Mẹ có thể gặp tình trạng buồn nôn ở tuần thứ 38 tương tự như những tháng đầu của thai kỳ. Triệu chứng này có thể xuất hiện với tần suất nhiều hơn cả giai đoạn trước đó.
Các cơn co thắt xuất hiện nhiều hơn ở tuần thai kỳ này báo hiệu dấu hiệu trở dạ, sắp sinh. Dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn, đặc và có màu vàng nhạt do nút nhầy ở cổ tử cung bong ra để chuẩn bị cho em bé ra ngoài.
Tình trạng giãn mạch trong cổ tử cung khiến mạch vỡ. Mẹ có thể quan sát thấy dịch nhầy màu hồng hoặc màu nâu nhạt trên quần lót. Đây chính là dấu hiệu báo thời điểm sinh đang đến rất gần rồi. Mẹ nên chuẩn bị để đến bệnh viện sinh nhé!
Những câu hỏi thường gặp khi mang thai tuần 38
Thời điểm sinh nở sắp đến khiến mẹ cảm thấy rất lo lắng. Đối với những người mới mang thai lần đầu lại càng bối rối hơn khi có quá nhiều những băn khoăn, thắc mắc cần được giải đáp. Dưới đây chúng tôi xin trả lời giúp mẹ một số câu hỏi thường gặp nhất trong giai đoạn này.
- Sinh con tuần 38 có phải đẻ non không?
Đối với vấn đề này, mẹ cần lưu ý những cột mốc sau đây:
– Sinh ở tuần 39-40 được gọi là sinh đủ tháng
– Sinh trước tuần 37 được gọi là sinh non (sinh thiếu tháng)
– Sinh ở tuần 41-42 được gọi là sinh quá tháng.
Như vậy, nếu mẹ sinh khi thai đã được 38 tuần không thuộc dạng sinh non. Tuy nhiên, cũng không được xếp vào sinh đủ tháng. Em bé ra đời ở tuần tuổi này vẫn phát triển bình thường như những em bé sinh đủ tháng khác.
- Thai 38 tuần mổ được chưa?
Trong một số trường hợp, bác sĩ chỉ định mổ bắt con để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ bầu và em bé. Thai 38 tuần hoàn toàn có thể tiến hành việc sinh mổ mà không cần quá lo lắng đến sự phát triển bình thường của em bé sau sinh.
- Phân biệt gò sinh lý và gò chuyển dạ
Các cơn gò dạ là hiện tượng mà mẹ thường xuyên gặp phải khi mang thai tuần 38. Các cơn gò cũng được chia thành 2 loại là gò sinh lý và gò chuyển dạ.
Các cơn gò sinh lý có đặc trưng là không gây đau đớn, diễn ra trong khoảng từ 30 giây đến 2 phút. Đây là hiện tượng bình thường khi mang thai những tuần cuối. Chỉ cần nghỉ ngơi và thay đổi tư thế là cơn gò sẽ biến mất.
Cơn gò chuyển dạ sẽ đi kèm với đau bụng, ra máu và dịch nhầy. Tần suất và thời gian diễn ra cũng lâu hơn. Đây là dấu hiệu cảnh báo bé đang chuẩn bị ra đời.
- Mang thai 38 tuần đau bụng dưới phải làm sao?
Sự phát triển thai nhi tuần 38 thường đi kèm với những cơn đau lâm râm tại khu vực bụng dưới. Nguyên nhân của tình trạng này là do hiện tượng táo bón, đầy hơi hoặc giãn dây chằng do chịu sức ép từ thai.
Việc đau bụng dưới khi mang thai 38 tuần tuổi không phải là điều quá lo lắng. Mẹ hãy nghỉ ngơi để cơ thể dần trở về trạng thái bình thường. Nếu xuất hiện thêm bất kỳ hiện tượng bất thường nào khác, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.
Mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời của bé chưa nào? Hy vọng những thông tin về sự phát triển thai nhi tuần 38 trên đã giúp mẹ chuẩn bị tốt hơn cho ngày sinh nở sắp tới. Chúc mẹ và bé có sức khỏe tốt nhất cho ngày vượt cạn sắp tới.