X

Sự khác biệt giữa dị ứng thực phẩm và không chấp nhận thực phẩm?

Một số người sau khi sử dụng thực phẩm nào đó xuất hiện các triệu chứng khó chịu như tiêu chảy, chóng mặt, buồn nôn… thường hay nghĩ là bị dị ứng với thực phẩm đó. Điều này không hoàn toàn chính xác. Bên cạnh tính dị ứng thực phẩm, còn có hiện tượng gọi là “tính không chấp nhận thực phẩm”. Hai hiện tượng này khác nhau như sau:

Tính dị ứng thực phẩm:

  • Là một đáp ứng của hệ miễn dịch.
  • Các triệu chứng khó chịu như chóng mặt, buồn nôn, khó thở…xuất hiện ngay cả khi chỉ ăn lượng thực phẩm rất nhỏ.
  • Các thực phẩm gây dị ứng theo Ủy ban Codex về Thực phẩm có thể kể đến như ngũ cốc chứa gluten; giáp xác (tôm, cua…) và các sản phẩm từ giáp xác; trứng và các sản phẩm từ trứng; cá và các sản phẩm từ cá; lạc, đậu nành và các sản phẩm từ lạc, đậu nành; sữa và các sản phẩm từ sữa (có cả lactose); quả hạch (mận, đào, quả óc chó…) và các sản phẩm liên quan; sulphit với nồng độ lớn hơn hoặc bằng 10mg/kg (thường được dùng để bảo quản thực phẩm).
  • Thực tế chỉ có khoảng 2 – 4% (đối với người lớn) và 6 – 8% (đối với trẻ em) dân số thế giới thực sự dị ứng với một nhóm thực phẩm nhất định nào đó.

Tính không chấp nhận thực phẩm:

Thường là đáp ứng của hệ tiêu hóa với thực phẩm hơn là đáp ứng của hệ miễn dịch.

  • Các triệu chứng khó chịu xuất hiện chỉ khi ăn một lượng lớn hực phẩm, các triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với dị ứng thực phẩm.
  • Tùy vào cơ địa nhạy cảm, một số người có thể có tính không chấp nhận thực phẩm với bất kỳ loại thực phẩm nào như bia rượu, cà phê, phụ gia thực phẩm…
  • Tính không chấp nhận thực phẩm phổ biến hơn so với tính dị ứng thực phẩm. Những triệu chứng của tính không chấp nhận thực phẩm thường chỉ thoáng qua, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia