Khi bà mẹ mang thai rất cần bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để giúp cho bà mẹ k khoẻ mạnh, thai nhi phát triển tốt. Hầu hết nhu cầu về vitamin và khoáng chất ở bà mẹ mang thai đều tăng lên so với trước khi mang thai. Nhu cầu vitamin A tăng từ 500mcg/ngày khi chưa mang thai lên 800mcg/ngày khi mang thai. Tuy nhiên, không dùng vitamin A liều cao vì khi dùng quá liều có thể gây nguy hiểm.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy nếu bà mẹ dùng vitamin A quá liều có thể gây dị dạng thai nhi hoặc gây đẻ khó do rối loạn cơn co tử cung. Vì vậy việc uống bổ sung vitamin A hàng ngày khi mang thai là không cần thiết. Vì vitamin A là vitamin tan trong dầu khi thừa không thể thải trừ ra khỏi cơ thể nhanh qua nước tiểu như các vitamin tan trong nước, mà lại tích luỹ trong gan nên dùng thời gian dài có thể gây ngộ độc. Hơn nữa vitamin A rất sẵn có trong thực phẩm như: trứng, sữa, thịt, tôm, cá…và dạng tiền vitamin A là Beta-caroten có rất nhiều trong rau, củ quả có màu vàng, đỏ: cà rốt, đu đủ, gấc, xoài.. và một số loại rau xanh thẫm. Do vậy phụ nữ mang thai chỉ cần ăn nhiều loại thực phẩm hàng ngày thì cũng cung cấp đủ vitamin A rồi. Ngoài ra, ăn uống đầy đủ còn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất khác nữa. Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi sinh, để đảm bảo lượng vitamin trong sữa mẹ, thì sản phụ cần được bổ sung một liều vitamin A là 200.000 đơn vị (IU). Khi mang thai, tuyệt đối không được uống vitamin A liều cao (từ 100.000 đến 200.000 đơn vị) vì có thể gây dị dạng thai nhi.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia