Ung thư luôn là mối quan tâm lớn trên toàn cầu. Theo thống kê của GLOBOCAN (1 dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Bên cạnh đó một trong những vấn để nan giải nhất trong Ung thư chính là hội chứng Suy mòn. Nhiều nghiên cứu cho thấy “Suy mòn trong ung thư” là một yếu tố độc lập tiên lượng tử vong cũng như là đáp ứng kém với phác đồ điều trị.
Vì vậy mà ALO AKIO số 6 vào 9h sáng Chủ Nhật ngày 26/09/2021 nối tiếp Nghìn lẻ câu chuyện dinh dưỡng & sức khỏe với chủ đề: “Phòng và điều trị suy mòn ở bệnh nhân Ung thư” được chia sẻ bởi Ths. Bs. Đặng Đức Ngọc (hiện công tác tại Khoa dinh dưỡng lâm sàng – BV E và Bộ môn Dinh dưỡng Lâm sàng & Y học gia đình – ĐH Y Dược, ĐHQGHN).
Tại chương trình, Ths. Bs. Đặng Đức Ngọc chia sẻ 3 nội dung chính:
Nội dung thứ nhất là “Suy mòn ung thư và ảnh hưởng của suy mòn tới kết quả điều trị”.
Bác sĩ Ngọc đã làm rõ định nghĩa về Suy mòn ung thư để cộng đồng có thể hiểu được một cách đơn giản. Theo đó: “Suy mòn ung thư” được định nghĩa là một hội chứng đặc trưng bởi sự mất liên tục khối cơ xương (có hay không có kèm mất khối mỡ) mà nó sẽ không được hồi phục hoàn toàn bởi hỗ trợ dinh dưỡng thông thường dẫn tới suy chức năng, đáp ứng kém điều trị, giảm thời gian sống còn. Bên cạnh đó, bài chia sẻ đã giúp cộng đồng phân biệt “Tình trạng sụt cân do ung thư” khác gì so với “Tình trạng sụt cân do bị đói”. Và hậu quả của suy mòn ung thư là: giảm thời gian sống còn của người bệnh, kết quả điều trị kém.
Nguyên nhân gây Suy mòn được phối hợp bởi hai yếu tố: Thứ nhất giảm cung cấp lượng thức ăn. Tại sao lại giảm cung cấp lượng thức ăn? Đó là do các tác dụng phụ của phác đồ điều trị (hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch). Thứ hai, do thay đổi chuyển hóa từ chính khối u gây ra những chất tiền viêm làm thay đổi chuyển hóa 3 chất sinh năng lượng (chất đạm, tinh bột, chất béo) từ chế độ ăn.
Nội dung thứ hai là “Phòng và điều trị suy mòn ở bệnh nhân ung thư”. Đối với dự phòng, điều trị ung thư nói chung và suy mòn nói riêng thì Ths. Bs. Đặng Đức Ngọc cho biết cần phải phối hợp đa chuyên ngành. Thứ nhất, nên điều trị sớm không nên để tình trạng bệnh tiến triển tới suy mòn. Thứ hai, cần phối hợp điều trị đặc hiệu tới khối u kết hợp với điều trị các biến chứng trong quá trình khối u phát triển. Và quan trọng cuối cùng là điều trị dinh dưỡng. Chúng ta cần: Cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng (năng lượng, chất đạm, vi chất dinh dưỡng), dưỡng chất dinh dưỡng đặc biệt giúp điều hòa đáp ứng chuyển hóa liên quan tới yếu tố viêm, bên cạnh đó cần kết hợp với hoạt động thể lực hợp lý. Với nhu cầu vi chất dinh dưỡng. Bs. Ngọc khuyến nghị bệnh nhân chỉ nên sử dụng theo nhu cầu khuyến nghị hàng ngày, không nên sử dụng vi chất dinh dưỡng với liều cao đơn lẻ.
Nội dung thứ ba là “Nghiên cứu mới về sử dụng chất chống oxy hóa cho bệnh nhân ung thư”. Nhằm giúp cộng đồng có cái nhìn mới về những thông tin sai lệch hiện nay về vai trò của chất chống oxy hóa đối với điều trị ung thư. Ths. Bs. Đặng Đức Ngọc đưa ra các bằng chứng nghiên cứu khoa học được nghiên cứu qua nhiều năm mang tính thực tế và có giá trị thuyết phục cao cho hay: đối với những bệnh nhân sử dụng các chất chống oxy hóa cùng lúc với hóa, xạ trị có tỷ lệ tái phát, tử vong cao hơn so với nhóm bệnh nhân không sử dụng. Và lưu ý rằng việc sử dụng các sản phẩm này cần phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Ung bướu. Trong trường hợp cần phải sử dụng chất oxy hóa có thể hạn chế tương tác bằng cách bắt đầu dùng chất chống oxy hóa cách thời điểm kết thúc hóa trị ít nhất 4 lần thời gian bán thải của thuốc. Và bổ sung EPA có tác dụng đáng kể trong điều trị ung thư với liều 2g/ngày.
Kết thúc bài chia sẻ, trước khi bước sang phần hỏi đáp cho các trường hợp chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, Bs. Ngọc đã điểm lại những ý chính mỗi người bệnh hay người chăm bệnh nhân ung thư cần nhớ:
- Suy mòn là hội chứng thường gặp trên bệnh nhân ung thư.
- Suy mòn ảnh hưởng tới kết quả điều trị và giảm thời gian sống còn của bệnh nhân.
- Điều trị suy mòn ung thư nên tiếp cận theo hướng đa chuyên ngành trong đó dinh dưỡng là biện pháp quan trọng cần được tư vấn kỹ cho bệ nh nhân.
- Chất chống oxy hóa nên được xem xét kỹ bởi bác sĩ chuyên khoa ung bướu nhất là những khoảng thời gian trước, trong, sau hóa trị, xạ trị.
Thời lượng của chương trình có hạn nên còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Tuy nhiên, các kênh tiếp nhận câu hỏi của ALO AKIO luôn sẵn sàng để các thầy cô/bác sĩ/chuyên gia đến từ Viện dinh dưỡng Quốc gia giải đáp liên tục, chứ không chỉ dừng ở khung giờ sáng Chủ Nhật hàng tuần. Và các kênh tiếp nhận câu hỏi không chỉ gói gọn ở những chủ đề trong ALO AKIO sáng Chủ Nhật mà mở rộng với mọi vấn đề liên quan đến chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe.
- Hỏi đáp mọi vấn đề trên Group Facebook: ALO AKIO – Nghìn lẻ một câu chuyện Dinh dưỡng & Sức khỏe
- Hỏi đáp theo chủ đề từng số ALO AKIO trên kênh Youtube: AKIO – Sức khỏe & Cuộc sống
Video chương trình: