Nước mưa là nước bốc hơi từ nước bề mặt và nước ao hồ nên có chứa vi khuẩn và độc chất từ môi trường.
Sử dụng nước mưa trong ăn uống cần lưu ý
Nước mưa ở các vùng nông thôn còn có thể tạm gọi là sạch, tuy nhiên, cũng không hoàn toàn sạch vi khuẩn và các vi sinh vật nên không thể dùng uống ngay được mà vẫn phải lọc sạch và đun sôi để tiệt khuẩn. Bể chứa nước mưa cần qua khâu xử lý lọc và có nắp đậy kín. Ở các vùng thành thị, đặc biệt là những nơi tập trung đông các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp lớn, nước mưa không còn là nước sạch nữa. Khói bụi và độc chất trong không khí, rồi cả các chất thải công nghiệp thải ra ao hồ, các vùng nước mặt khi bốc hơi cũng mang theo độc chất. Nước mưa ở những vùng này có nồng độ hóa chất độc hại, bụi bẩn đậm đặc và hoàn toàn không nên sử dụng. Hiện nay ở nhiều nơi môi trường đã bị ô nhiễm do khí thải của các phương tiện giao thông và các nhà máy, nước mưa có thể mang tính axit cao hơn do hòa tan với khí SO2, NO2. Các chất này khi thải vào môi trường thường kết hợp với khói bụi tạo thành bụi axit trong khí quyển. Ngoài ra các khí này có thể kết hợp nguyên tử oxygen (O) có trong khí quyển và sau đó hòa tan vào nước mưa tạo axit sulfuric (H2SO3 ) và axit nitric (HNO3). Thông thường pH trong không khí bằng 5,6 thì được coi là cơ sở để xác định mưa axit. Uống nước mưa có nồng độ pH thấp này sẽ thấy nước bị chua và nước này không tốt cho sức khỏe lẫn cả cây trồng và thủy sản. Ngoài ra, nước mưa còn có thể hòa lẫn với bụi, khí thải và các vi sinh vật có trong không khí, trên mái nhà, hoặc các dụng cụ hứng, trữ nước nên không còn sạch.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia