Gan là bộ phận có vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động cơ thể, trực tiếp liên quan đến dinh dưỡng. Một trong nhiều chức năng quan trọng của gan là chức năng chuyển hóa. Gan biến đổi các chất hấp thu từ quá trình chuyển hóa dinh dưỡng thành những chất cần thiết cho sự sống, sự phát triển của cơ thể. Gan đồng thời cũng có tác dụng bắt giữ, biến đổi các chất độc có trong thực phẩm, nước uống… và thải trừ chúng. Khi gan bị bệnh sẽ gây rối loạn tiêu hóa, hấp thu, dự trữ và chuyển hóa các chất dinh dưỡng; đồng thời là nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin, khoáng chất làm mất cân bằng dinh dưỡng và nhiễm độc cho cơ thể.
Đối với người bệnh bị viêm gan cấp tính: viêm gan cấp tính là bệnh phát sinh đột xuất và thời gian lâm bệnh ngắn. Phần lớn người bị viêm gan cấp tính thường được phục hồi sau khoảng một đến hai tháng. Tuy vậy, có một số ít trường hợp kéo dài hàng nhiều tháng, thậm chí hàng năm hoặc phát triển tiến tới suy gan. Trong bệnh lý viêm gan cấp, các tế bào gan bị phá hủy cấp tính cho nên các chức năng hoạt động bình thường của gan bị xáo trộn và được biểu hiện bằng các dấu hiệu mệt mỏi và rối loạn tiêu hóa: chán ăn, ăn không tiêu, sình bụng, tiêu chảy, nhất là hay buồn nôn và nôn ói. Ở bệnh nhân viêm gan B cấp tính còn có các triệu chứng như vàng mắt, vàng da, đau hạ sườn phải… Khi xét nghiệm máu lượng men gan tăng cao. Các triệu chứng này kéo dài vài ngày đến vài tuần. Giai đoạn này bệnh nhân nên ăn nhẹ, uống nhẹ, nên ăn làm nhiều bữa với các loại thức ăn dễ tiêu. Các loại thức ăn dành cho người bệnh trong giai đoạn này cần dễ tiêu hóa, dễ hấp thu như: ngũ cốc, đường, mật ong và hoa quả ngọt. Đối với chất đạm, cần cung cấp đủ lượng cần thiết để tấn công bệnh tật, tái tạo tế bào gan, nên chọn loại có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ít chất béo như lòng trắng trứng, thịt nạc, cá nạc, sữa không béo, đậu hũ…với số lượng khoảng 50 – 70g mỗi ngày. Bên cạnh đó cũng cần ăn các thức ăn có nhiều vitamin nhóm B, C và xơ như cam, cà rốt, chuối, gạo lứt, đậu đỏ, các loại rau xanh….
Trong giai đoạn này bệnh nhân cũng nên uống nhiều nước, đặc biệt nước cam, nước chanh vừa tăng lượng sinh tố, vừa tăng lượng nước của cơ thể. Khi gan đang viêm, tuyệt đối không được sử dụng rượu bia dưới mọi hình thức vì chúng là các chất rất có hại cho tế bào gan. Nên dùng dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu mè trong chế biến thức ăn với lượng vừa phải và tránh nhiệt độ quá cao.
Nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc cũng là biện pháp hỗ trợ giúp cho gan hồi phục nhanh hơn.
Không được tự ý sử dụng các loại thuốc trong điều trị nhất là các thuốc ảnh hưởng đến chức năng gan như: thuốc hạ sốt giảm đau, vitamin A liều cao…, việc dùng thuốc nam cũng cần được cân nhắc và cần có chỉ dẫn của thầy thuốc vì hầu hết thuốc nam có thể biết được tác dụng chính nhưng tác dụng không mong muốn thì chưa biết hết nên nhiều khi mang đến sự tổn thương thêm cho gan.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia