X

Làm thế nào để nhận biết trẻ bị SDD?

Trẻ được nuôi dưỡng đúng là trẻ được “Ăn no”. “Ăn no” theo đúng nghĩa khoa học là đầy đủ khối lượng thức ăn, đầy đủ các chất dinh dưỡng và có sự cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng. Để biết chính xác trẻ có được thường xuyên ăn no đủ hay không thì cần theo dõi cân nặng vì trong những năm đầu nhất là những năm đầu tiên, cơ thể trẻ phát triển rất nhanh. Trẻ 4 tháng tuổi cân nặng của trẻ tăng gấp 2 lần so với khi mới sinh và sẽ tăng gấp 3 lần khi được 13 tháng tuổi. Người mẹ cần quan tâm thường xuyên tới sức khoẻ của con bằng cách sớm làm quen và sử dụng tốt biểu đồ tăng trưởng. Hãy cân con hàng tháng vào một ngày nhất định, sau mỗi lần cân lại chấm lên biểu đồ tăng trưởng một điểm tương ứng với tháng tuổi của trẻ, nối dần các điểm đó lại với nhau sẽ thấy được “Con đường sức khỏe” của bé. Khi đường biểu diễn sức khỏe của trẻ nằm trong khoảng hai đường cong và đi lên song song với đường cong chuẩn thì trẻ phát triển bình thường.
Khi đường biểu diễn sức khoẻ của trẻ nằm dưới đường cong dưới, đi ngang hoặc đi xuống là sức khoẻ của trẻ có vấn đề cần đưa trẻ tới thày thuốc khám bệnh, tư vấn để có hướng xử trí thích hợp nhất (nhẹ thì chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống ngay tại nhà, nặng thì cần chế độ chăm sóc đặc biệt…). Nếu sau đó thấy đường biểu diễn sức khoẻ của trẻ đi lên (cân nặng tăng trở lại) là có kết quả. Tuy nhiên khi đường biểu diễn cân nặng vượt kênh bình thường quá nhiều, đường biểu diễn cân nặng có xu hướng đi lên theo chiều thẳng đứng chứng tỏ trẻ tăng cân quá nhanh có khả năng trở thành quá cân và béo phì sau này, bà mẹ cũng cần đem trẻ tới khám bác sĩ để nhận được những lời khuyên về ăn uống hợp lí.

Chú ý: trên biểu đồ tăng trưởng hướng biểu diễn là quan trọng nhất. Nếu đường biểu diễn đi theo chiều hướng:
• Đi lên gần song song với đường chuẩn là bình thường
• Nằm ngang là đe doạ
• Đi xuống là nguy hiểm
• Đi lên gần thẳng đứng, vượt quá đường chuẩn là thừa cân, béo phì.

Biện pháp đơn giản nhất để phát hiện đứa trẻ có phát triển bình thường, bị suy dinh dưỡng hay thừa cân béo phì là: cân, đo cho trẻ hàng tháng đều đặn để theo dõi diễn biến cân nặng và chiều cao của trẻ.

Để theo dõi sự phát triển của trẻ cần nắm biết được sinh lý phát triển bình thường của bé:
Cân nặng của trẻ trong năm đầu:
Cân nặng sơ sinh trẻ đủ tháng, lúc mới sinh trung bình khoảng 3200g – 3.300g (3,2kg- 3,3kg). Nếu trẻ sơ sinh chỉ nặng dưới 2500g (2,5kg) thường là trẻ đẻ thiếu tháng hoặc bị suy dinh duỡng bào thai (đẻ đủ tháng nhưng cân nặng dưới 2500g).

Trong 3 tháng đầu trẻ phát triển rất nhanh: tăng được 1200g/ tháng.

3 tháng tiếp theo trẻ tăng 600g/tháng và gấp đôi cân nặng lúc sinh khi trẻ được 4 tháng tuổi.

6 tháng tiếp theo trẻ chỉ tăng từ 300 – 400g/tháng và trẻ nặng gấp 3 lần lúc mới sinh khi trẻ được 13 tháng tuổi.

Cân nặng trung bình của trẻ từ 2 – 10 tuổi: có thể áp dụng công thức sau để tính: Xn = 9,5 + 2,4 × (N-1). Trong đó: Xn là Cân nặng nên có của trẻ (kg); N là Số tuổi của trẻ (tính theo năm), mỗi năm trung bình trẻ tăng thêm được 2,4 kg.

Thí dụ cân nặng nên có của trẻ 3 tuổi là: Xn = 9,5 + 2,4 x (3-1) = 14,3 kg

Chiều cao của trẻ trong năm đầu:
Chiều cao trung bình của trẻ sơ sinh khoảng 49 – 50cm.

Trong 3 tháng đầu trẻ tăng 3cm – 4,5 cm/tháng; 3 tháng tiếp theo trẻ tăng từ 2 – 2,5cm/tháng; 3 tháng tiếp theo trẻ tăng 2cm/tháng; 3 tháng tiếp trẻ tăng 1-1,5cm/tháng.

Đến lúc 1 tuổi trẻ cao gấp 1,5 lần lúc mới sinh (74 – 75cm).

Trẻ từ 1–2 tuổi: tăng 1cm/tháng, trẻ 2 tuổi có chiều cao là 86 – 87cm.

Từ 2 – 3 tuổi trung bình tăng thêm 9 cm/năm, trẻ 3 tuổi có chiều cao là 95 – 96cm.

Từ 4 – 10 mỗi năm trung bình trẻ cao thêm 6 – 7cm.

Chiều cao trung bình của trẻ từ 4 – 10 tuổi có thể áp dụng công thức sau để tính: Xc = 95,5 + 6,2 × (N-3). Trong đó:
Xc : Chiều cao nên có của trẻ (cm);
N : Số tuổi của trẻ (tính theo năm) ;
6,2 là số cm trẻ cao trung bình trong 1 năm;
95,5 là chiều cao của trẻ lúc 3 tuổi tính bằng centimet.

Thí dụ chiều cao nên có của trẻ 10 tuổi là: Xc = 95,5 + 6,2 x (10-3) = 138,9cm
Nếu cân nặng hay chiều cao của trẻ tính theo công thức mà thấp hơn dưới 10% cân nặng và chiều cao nên có thì trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, nếu cân nặng cao hơn 10% thì trẻ có nguy cơ bị thừa cân dẫn đến béo  phì, cần kết hợp xem xét sự cân đối giữa cân nặng với chiều cao để đánh giá chính xác tình trạng dinh dưỡng của trẻ.

Cách theo dõi sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ
Thường xuyên cân và đo chiều cao cho trẻ để biết được sự phát triển về thể lực và tình trạng sức khoẻ của trẻ.

Trẻ dưới 2 tuổi có thể sử dụng biểu đồ tăng trưởng.

Theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ rồi đánh giá tình trạng dinh dưỡng dựa theo cách đánh giá của WHO bằng tra bảng quần thể chuẩn của WHO năm 2006.

Tuổi của trẻ xác định ở cột dọc, tương ứng với từng tháng tuổi. Cột chiều ngang là cân nặng và chiều cao của trẻ. Tra bảng cân nặng theo giới để biết trẻ có tình trạng dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở mức nào; tra bảng chiều cao theo giới để biết trẻ có tình trạng dinh dưỡng chiều cao theo tuổi ở mức nào.

+ Trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường khi:

  • -2SD ≤ Cân nặng hiện tại của trẻ ≤ 1SD
  • -2SD ≤ Chiều cao hiện tại của trẻ ≤ 3SD
  • -2SD ≤ Cân nặng so với chiều cao ≤ 1SD

+ Nếu cân nặng, chiều cao và cân nặng so với chiều cao của trẻ thấp hơn – 2SD (độ lệch chuẩn) là trẻ bị suy dinh dưỡng, mẹ cần cho trẻ đi khám tư vấn dinh dưỡng.
+ Cân nặng hiện tại của bé > 1SD: Có thể trẻ đã tăng cân quá mức. Cần đánh giá thêm chỉ số cân nặng so với chiều cao để biết bé có bị thừa cân hoặc béo phì hay không.

  • 1SD < Cân nặng/chiều cao hiện tại ≤ 2SD: trẻ có nguy cơ bị thừa cân. Nếu không có biện pháp kịp thời, bé sẽ sớm bị thừa cân và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  • 2SD < Cân nặng/chiều cao hiện tại ≤ 3SD: trẻ đã bị thừa cân.
  • 3SD < Cân nặng/chiều cao hiện tại: trẻ đã bị béo phì.

+ Nếu chiều cao hiện tại của bé > 3SD: Trẻ quá cao so với tuổi, có thể có liên quan đến rối loạn nội tiết. Mẹ nên cho trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Thời gian cân đo cho trẻ.
Trẻ dưới 1 tuổi: 1 tháng cân đo 1 lần.
Trẻ từ 1 – 2 tuổi: 2 tháng cân đo 1 lần.
Trẻ trên 2 tuổi: 3 tháng cân đo 1 lần.
Nếu trẻ bị Suy dinh dưỡng hoặc thừa cân thì phải cân đo mỗi tháng một lần
Sau mỗi đợt trẻ bị bệnh cũng cần cân đo để theo dõi sự phục hồi và tình trạng sức khoẻ của trẻ. Trẻ tăng cân và chiều cao đều đặn là dấu hiệu quan trọng của một đứa trẻ khoẻ mạnh, phát triển bình thường.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia