X

Khi trẻ mắc bệnh thì nên cho trẻ bú như thế nào?

Khi trẻ bị bệnh một số bà mẹ thường không cho con bú vì một số các lí do:
• Trẻ bị bệnh thường không muốn bú và mẹ cũng chiều theo ý muốn đó.
• Khi trẻ bị bệnh dễ bị nôn nên bú vào có thể bị nôn ra.
• Mẹ nghĩ rằng trẻ bị bệnh thì không nên cho bú vì khó tiêu hoặc làm tăng tiêu chảy của trẻ.

Nhưng sau khi ngừng bú, trẻ sẽ không chịu bú mẹ trở lại và thường dẫn đến suy dinh dưỡng. Vì vậy, khi trẻ bị bệnh thì mẹ nên:
• Cho trẻ bú nhiều lần hơn bình thường. Bú mẹ càng nhiều càng tốt
• Trẻ cần bú mẹ để phục hồi sức khoẻ vì sữa mẹ đủ dinh dưỡng và các kháng thể.
• Sữa mẹ là thức ăn dễ tiêu hoá nhất đối với trẻ.
• Sữa mẹ có thể giúp cho trẻ bớt tiêu chảy vì trong sữa mẹ có đủ các loại Globulin miễn dịch như: IgG, IgA, IgM, IgE… nhưng nhiều nhất là IgA, đặc biệt là IgA tiết. IgA tiết có ngay ở những ngày đầu sau đẻ. Kháng thể IgA tiết được bào chế đặc biệt, dành riêng cho người mẹ và chuyển sang cho
con, có tác dụng chống lại vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn đường tiêu hóa. Ngoài ra loại IgA này không làm tiêu huỷ các vi khuẩn “có ích” cho đường tiêu hoá; đặc biệt khi IgA tiết tiêu diệt vi khuẩn không gây phản ứng viêm nên không gây phá huỷ tế bào thông thường.

Khi trẻ bị bệnh cần được bú mẹ đầy đủ để nhanh chóng khỏi bệnh.

Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bị bệnh bú như thế nào?

  • Trẻ cần tiếp tục bú mẹ, bú càng nhiều càng tốt.
  • Trẻ tiêu chảy cần được bù nước và điện giải với dung dịch Orerol (ORS) pha đúng cách (cho uống bằng thìa qua đường miệng).
  • Tiếp tục cho trẻ bú mẹ trong khi bị bệnh và sau khi hồi phục để giữ nguồn sữa đầy đủ và liên tục.
  • Nếu trẻ không bú được cần vắt sữa cho trẻ uống bằng thìa.

Cho trẻ trên 6 tháng tuổi bị bệnh ăn, uống như thế nào?

  • Tiếp tục cho trẻ bú mẹ
  • Nếu trẻ bị tiêu chảy, cho uống dung dịch ORS pha đúng cách cùng với sữa mẹ.
  • Trong vài ngày đầu, chỉ nên cho trẻ ăn những thức ăn nhẹ dễ tiêu, chia thành nhiều bữa (5 đến 6 bữa một ngày): cháo, súp nấu với thịt lợn nạc, thịt gà, trứng gà.
  • Cần cho trẻ ăn tăng dần từ ít đến nhiều và thường xuyên hơn. Trẻ cần thức ăn giàu năng lượng, giàu đạm để phát triển bình thường.
  • Trong khi đang bị tiêu chảy nên cho lượng dầu, mỡ ít hơn(1/2 lượng so với bình thường); rau nên chọn rau non, số lượng cũng ít hơn; tạm dừng tôm, cua, cá. Khi trẻ cầm ỉa cho ăn dần trở lại bình thường.
  • Khi trẻ đang tiêu chảy tạm dừng hoa quả chua (cam chua, chanh…), chỉ cho ăn các loại quả ngọt. Khi trẻ cầm ỉa cho ăn dần trở lại bình thường.
  • Cần cho trẻ ăn uống nhiều hơn sau khi trẻ đã hồi phục, các loại nước có thể sử dụng cho trẻ: nước quả tươi, nước rau luộc, nước đun sôi để nguội, nước cháo, nước gạo rang…

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia