Phân biệt giữa nôn và trớ
Nôn: Là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đưa hết ra ngoài do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co bóp của cơ hoành và thành bụng.
Trớ: Là hiện tượng một lượng thức ăn bị trào ra khỏi miệng ngay sau bữa ăn hoặc trong bữa ăn. Đây là hiện tượng sinh lý trong vòng 6 tháng đầu không cần phải điều trị.
Các nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ em
- Nôn là triệu chứng của một số bệnh, ngoài triệu chứng nôn trẻ còn có các triệu chứng khác đặc trưng của từng bệnh, đây là những trường hợp nôn đột xuất không phải thường xuyên.
- Nôn trong một số bệnh nhiễm khuẩn cấp tính: Viêm họng,
Viêm phế quản, viêm phổi, ngoài triệu chứng nôn trẻ thường kèm theo: sốt, ho, khó thở. - Nôn trong ỉa chảy cấp: Ngoài nôn trẻ kèm theo tiêu chảy, mất nước.
- Nôn trong các bệnh não màng não, viêm màng não mủ, u não, áp xe não: ngoài nôn trẻ kèm theo các triệu chứng: co giật, sốt, hôn mê, thóp phồng (trẻ dưới 12 tháng).
- Nôn trong ngộ độc thức ăn: Trẻ kèm theo đi ỉa, đau bụng, có dấu hiệu nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
- Nôn trong các bệnh ngoại khoa: Tắc ruột, lồng ruột: ngoài dấu hiệu nôn trẻ kèm theo cơn khóc thét do đau bụng, bụng chướng, bí trung, đại tiện, hoặc đi ngoài ra máu trong lồng ruột.
- Nôn do hẹp ruột bẩm sinh, phì đại môn vị hẹp thực quản: Nôn xuất hiện sớm trong vòng 1 tuần đầu sau khi sinh, hầu như bữa nào cũng nôn, nôn ngay sau khi ăn hoặc sau ăn một vài giờ, cần được phát hiện sớm để điều trị bằng phẫu thuật.
Nếu trẻ nôn thường xuyên và không kèm các triệu chứng khác thường do sai lầm về ăn uống như:
- Cho trẻ ăn quá nhiều, quá no.
- Trẻ nuốt quá nhiều không khí khi ngậm vú giả hoặc bú bình không nghiêng cho sữa ngập cổ bình.
- Ăn no xong đặt trẻ nằm ngay.
- Do quấn tã bụng quá chặt.
- Do rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn co bóp dạ dày.
Xử trí khi trẻ bị nôn
Nếu trẻ nôn đột xuất và kèm theo các triệu chứng khác của từng bệnh thì phải đưa ngay trẻ đi bệnh viện để khám và điều trị.
Nôn do sai lầm ăn uống:
- Không ép trẻ ăn quá no
- Khi bú chai: đục lỗ núm vú vừa phải thích hợp với lực mút của trẻ, cầm nghiêng chai sữa 45 độ cho sữa ngập hết cổ chai sữa.
- Không cho trẻ ngậm đầu vú giả.
- Khi cho 1 loại thức ăn mới nên cho từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Sau khi trẻ bú mẹ hoặc các bữa ăn (sữa ngoài, bột, cháo) nên bế vác trẻ đứng thẳng 10-15 phút, vỗ nhẹ vào lưng trẻ vài lần rồi mới đặt trẻ.
- Không quấn rốn quá chặt.
Nôn do rối loạn thần kinh thực vật
- Có thể sử dụng thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sĩ.
- Khi bé nôn nhiều cũng giống như đi tiêu lỏng, bé sẽ mất một lượng nước khá lớn. Do đó quan trọng là phải bổ sung lượng nước đã mất để cơ thể bé không mất chất điện giải. Tại nhà ta có thể dùng dung dịch Oresol pha đúng cách, nước chín hay nước trái cây loãng.
Khi bé nôn nhiều, đừng cố gắng ép cho bé tiếp tục ăn, uống mà cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tư thế khi bé nôn nên để bé nằm nghiêng hoặc đỡ bé ngồi dậy để chất nôn đổ ra ngoài, đề phòng khi bé nôn, chất nôn sẽ tràn vào khí quản, gây sặc vào phổi rất nguy hiểm.
- Nên chờ cho bé bớt nôn trớ, hãy cho uống một lượng nhỏ nước chín hoặc dung dịch Oresol, bé bị mất nước nhiều nên sẽ khát, khi đưa nước bé sẽ có khuynh hướng uống nhiều, sau đó sẽ nôn thốc tháo, do đó nên cho uống bằng muỗng nhỏ hoặc từng ngụm một .
- Khi bé không nôn trớ nữa thì cho bé bú sữa mẹ hoặc bú bình, tăng dần số lượng từ 80 – 100ml sau mỗi 3 – 4 giờ. Nếu bé không nôn trớ từ 12 – 24 giờ thì có thể cho bé ăn uống dần trở lại bình thường, nhưng vẫn cho bé uống nhiều nước.
- Giúp trẻ ngủ sẽ làm cho bé nhanh hồi phục hơn. Chỉ sử dụng thuốc chống nôn nào khi được sự cho phép của bác sĩ.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia
0
0
đánh giá
Đánh giá bài viết