Nên mua các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, cá, tôm, mực… với lượng đủ dùng cho cả tuần. Sau đó rửa sạch, để ráo nước tự nhiên hoặc dùng khăn, giấy sạch (loại giấy dùng trong nhà bếp) thấm khô, chia ra thành từng phần nhỏ với lượng đủ dùng cho mỗi bữa. Mỗi phần đó cho vào hoặc hộp nhựa(dùng đựng thực phẩm) hoặc hộp thủy tinh có đậy nắp kín, rồi đưa vào ngăn đá tủ lạnh để bảo quản. Không nên dùng túi ni lon đựng thực phẩm vì độc hại. Đối với các loại hải sản như cá, tôm, cua, mực…. cũng rửa sạch, để ráo nước sau đó cho thêm ít muối rồi mới cho vào hộp nhựa, thủy tinh. Khi đến bữa cần dùng bao nhiêu thì mang ra bấy nhiêu, để rã đông tự nhiên hoặc cho vào lò vi sóng để chế độ rã đông rồi chế biến món ăn.
Cần lưu ý thời gian mua thực phẩm, hải sản về rửa sạch, để ráo nước, thấm khô không quá lâu đến mức thực phẩm không còn tươi nữa mới đưa vào bảo quản trong ngăn đá thì cũng không có tác dụng. Một vài món ăn đã làm chín cũng nên bảo quản trong ngăn đá, chứ không nên để trong ngăn mát thông thường vì nhiệt độ ở các ngăn mát này không đủ để ức chế vi khuẩn dẫn đến thức ăn không còn mùi thơm ngon hoặc có mùi ôi, hỏng. Tốt nhất là nên bảo quản thực phẩm sống còn tươi nguyên ở ngăn đá tủ lạnh, đến mỗi bữa mang ra chế biến thành các món ăn, không nên chế biến sẵn thức ăn chín để trong tủ lạnh rồi đến bữa mang ra hâm nóng để ăn. Vì trong quá trình nấu kỹ qua lửa vi khuẩn mới bị tiêu diệt, mùi vị thức ăn mới thơm ngon, nếu chế biến sẵn thức ăn chín rồi để trong tủ lạnh hôm sau mới đem ra dùng, mùi vị và dinh dưỡng trong món ăn sẽ biến chất. Hai cách này hoàn toàn khác nhau và cung cấp những giá trị dinh dưỡng cũng khác nhau. Riêng các loại rau củ thì nên mua hàng ngày, không nên để dự trữ lâu vì như vậy sẽ làm cho các vitamin bị mất đi nhất là Vitamin C.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia