Trong quá trình lao động hay luyện tập nặng, lượng các chất đạm, đường, mỡ, của cơ thể bị phân giải rất nhiều để giải phóng ra năng lượng giúp cơ thể hoạt động. Tuy nhiên, cùng với việc sinh năng lượng, quá trình phân giải các chất còn sinh ra những chất chuyển hóa trung gian có tính axit (như axit pyruvic, axit lactic) làm cho cơ thể cảm thấy rất mệt mỏi, bắp thịt và xương khớp đau nhức. Muốn hết mệt mỏi, cơ thể phải thải loại được các chất này ra ngoài. Nếu sau khi lao động nặng mà ăn nhiều thịt cá thì quá trình chuyển hóa thức ăn sẽ càng làm cho nồng độ axit trong cơ thể tăng lên, hoàn toàn không có lợi cho việc tiêu trừ mệt mỏi. Mặt khác ăn nhiều thức ăn có hàm lượng đạm cao (thịt, cá, trứng…) còn không tốt cho xương vì xương là nơi dự trữ các chất có tính kiềm, khi ăn nhiều thịt, cá tức là gia tăng tính axit sẽ làm xương bị tăng giải phóng các nguyên tố canxi và agiê… và dần dần sẽ mất chất khoáng, dẫn đến loãng xương với rối loạn trong cấu trúc mô xương. Tăng tính axit còn tạo nguy cơ bị sỏi tiết niệu do liên quan đến sự loại trừ canxi qua thận. Khi lao động nặng chỉ nên ăn lượng thịt cá vừa phải và ăn thêm rau xanh, canh rau, trái cây, sữa đậu nành… là các loại thức ăn có tính kiềm sẽ giúp cơ thể nhanh hết mệt mỏi. Những thức ăn có tính kiềm giúp nhanh chóng trung hòa làm hạ độ axit trong máu xuống, nhờ đó làm giảm mệt mỏi mau hơn.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia