Các loại đậu như đậu xanh, đậu đen, đậu ván, đậu đỏ… đều có lượng đạm rất cao, giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là đậu tương (còn gọi là đậu nành). Trong thực liệu học cổ truyền, người xưa đã chế nhiều món ngon, bổ từ các loại đậu để phòng chống chứng tiêu khát – căn bệnh ngày nay được gọi là đái tháo đường (ĐTĐ).
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của bệnh viện St. Micheal và Đại học Toronto Canada cho thấy: một chế độ ăn uống giảm chỉ số đường huyết “GI” gồm nhiều quả hạch, đỗ, đậu Hà Lan… có tác dụng tốt hơn trong việc kiểm soát những triệu chứng của bệnh nhân ĐTĐ và bệnh tim so với chế độ ăn uống nhiều ngũ cốc và chất xơ.
Nghiên cứu này được thực hiện với 210 bệnh nhân tiểu đường týp 2. Họ được chia làm 2 nhóm, một nhóm thực hiện chế độ ăn uống giảm GI gồm nhiều đậu nành, đậu Hà Lan, đậu lăng, quả hạch và mỳ sợi, gọi là nhóm 1 và nhóm 2 tuân thủ chế độ ăn nhiều ngũ cốc và chất xơ. Cả 2 nhóm này cũng được khuyến khích ăn 3 suất hoa quả và 6 suất rau mỗi ngày. Kết quả cho thấy, sau 6 tháng nhóm 1 đã kiểm soát đáng kể lượng đường trong máu và mức cholesterol tốt (HDL) được cải thiện rõ so với nhóm 2.
Như vậy đậu, đỗ là một nguồn dinh dưỡng tốt cho người bệnh ĐTĐ. Chế độ ăn gồm nhiều loại đậu, đỗ có thể giúp kiểm soát chỉ số đường huyết cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ ở những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia