Trong thời tiết nóng ẩm, các loại vi khuẩn gây bệnh ngoài da rất dễ xâm nhập, đặc biệt là làn da còn mỏng manh của trẻ nhỏ. Hăm da là một bệnh viêm da hay gặp ở các nếp gấp như cổ, bẹn, nách, mông của những trẻ mập mạp, có nhiều ngấn (kẽ) ở các vị trí này. Đây là các vị trí da dễ bị ẩm ướt bởi mồ hôi, thiếu không khí và thường xuyên bị cọ xát gây ra viêm đỏ, có thể rỉ dịch khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu, tình trạng này nếu để lâu có thể dẫn đến nhiễm khuẩn dẫn tới mưng mủ, nhiễm nấm và nhiều biến chứng khác. Các nguyên nhân gây hăm ở bé:
- Nguyên nhân chủ yếu là do bé bài tiết liên tục, việc vệ sinh, thay tã không kịp thời hoặc bé bị ủ quấn trong tã quá lâu mà gây nên.
- Nguyên nhân thứ hai cũng có thể do tắm bé xong, mẹ lau không khô đã vội quấn tã ngay.
- Trẻ có thể bị hăm do phản ứng với các hóa chất trong bột giặt đã sử dụng để giặt xả hoặc thuốc tẩy vải.
- Hay bé bị tiêu chảy cấp, hăm thường xuất hiện vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sau khi bị tiêu chảy.
Trẻ bị hăm sẽ làm cho trẻ quấy nhiều, thậm chí kém ăn, ít ngủ khó chăm sóc.
Để trẻ không bị hăm, cần tắm rửa cho trẻ hằng ngày bằng nước ấm, không nên dùng nhiều sữa tắm có chất tẩy rửa mạnh sẽ càng làm cho tình trạng hăm nặng thêm, có thể đun sôi để nguội các cây lá (có tính mát) theo kinh nghiệm dân gian như lá chè xanh, hương nhu, lá kinh giới, sài đất để tắm cho trẻ. Ngoài ra không nên cho trẻ mặc quần áo, tã lót có chất nilon, không nên đóng bỉm (tã giấy) cho trẻ thường xuyên vì rất bí, nên dùng tã bằng vải cotton mềm mại, chỉ nên dùng bỉm khi cần thiết (đi chơi xa…), thay tã lót thường xuyên, tránh để trẻ bị ẩm ướt ở những nơi có nếp gấp này. Mỗi lần thay tã (hoặc bỉm), nên để da bé tiếp xúc với không khí trong khoảng thời gian ngắn sau khi thay tã (hoặc bỉm).
Nếu được phát hiện sớm và xử lý ngay thì vùng da hăm sẽ nhanh chóng lành lặn. Quan trọng nhất là chú trọng vệ sinh cho bé. Phải rửa vùng kín cho bé ngay sau khi bé đi vệ sinh xong bằng nước ấm, sạch, rồi thấm khô bằng khăn bông và thay tã mới. Khi rửa cần nhẹ nhàng, tránh để bé đau và xây xước da thêm. Nếu bé có dấu hiệu bị hăm da nặng, nên đưa bé tới gặp Bác sĩ để được tư vấn kỹ càng hơn.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia