Rau tuy không cung cấp năng lượng nhưng lại là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng quan trọng trong bữa ăn đồng thời là nguồn cung cấp chất xơ quan trọng giúp cho quá trình tiêu hoá thức ăn, phòng chống táo bón. Hiện nay có nhiều trẻ không chịu ăn rau nguyên nhân là do bố mẹ không cho trẻ ăn vì quan niệm cho rằng rau không phải là chất bổ, hoặc cho rằng ăn rau trẻ dễ bị tiêu chảy, ỉa phân xanh; hoặc chế biến rau cho trẻ phức tạp, như vậy trẻ sẽ bị thiếu sinh tố và chất xơ. Do đó cần tập cho trẻ ăn rau từ thời kỳ bắt đầu ăn bổ sung. Rau rất tốt cho sự phát triển của trẻ.
Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: cho trẻ ăn rau bằng cách thái, băm, giã nhỏ lá rau xanh, quả đậu, rau củ… cho lẫn vào bột và cháo tăng dần từ ít đến nhiều và thay đổi các loại rau trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Đối với trẻ lớn: từ 3 tuổi trở lên, lúc đầu có thể thái nhỏ, nấu canh dạng súp trộn lẫn vào cơm cho trẻ ăn, khi nấu phải chọn loại rau để nấu từng loại canh thích hợp. Ví dụ: Rau mồng tơi, rau đay nấu với cua, rau ngót nấu với thịt, rau cải nấu với cá rô, cá quả… Trẻ lớn hơn có thể ăn rau xào, rau luộc: quả đậu vàng xào với thịt nạc hay thịt bò, rau muống hay bắp cải luộc…
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia