Trans fat có mức độc hại giống như chất béo bão hòa (saturated fat), làm tăng các loại mỡ máu như lipoprotein, triglycerid, cholesterol xấu (LDL) và làm giảm lượng cholessterol tốt (HLD), gây nguy cơ mắc bệnh xơ vữa , tắc nghẽn động mạch, giảm lưu lượng máu đi nuôi tim, tạo ra các cơn đau thắt ngực, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các chứng bệnh mãn tính nguy hiểm khác như đái tháo đường, ung thư… Cũng qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện thấy, so với chất béo bão hòa, trans fat có mức độc hại gấp đôi cho tim.
Hiệp hội tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo, để mang lại lợi ích cao nhất về mặt sức khoẻ, mỗi người một ngày không nên ăn quá 300 mg cholesterol và năng lượng do chất béo trong khẩu phần không quá 30% tổng lượng calo cần thiết mỗi ngày, chất béo bão hòa không quá 7% lượng calo và trans fat không quá 1%.
Nguồn gốc trans fat có trong thực phẩm: Nguồn có sẵn trong thực phẩm thiên nhiên như trong sữa, mỡ của động vật ăn cỏ (bò, cừu…) với mức độ không cao, chỉ khoảng 2 – 5% so với chất béo toàn phần và không đáng ngại với sức khỏe. Nguồn thứ hai là do con người tạo ra: Để bảo quản các sản phẩm được lâu, các nhà sản xuất tiến hành quá trình hydrô hoá (hydrogenated). Các axit béo chưa bão hoà được hydro hóa đã biến đổi thành một dạng mỡ mới, là axít béo chuyển hóa hay axít béo dạng trans (trans -fat). Mặt khác quá trình trên cũng xảy ra trong công nghệ thực phẩm chế biến sẵn như thức ăn nhanh fast food (gà rán, khoai tây chiên…), thức ăn chơi (snack, bánh quy, bánh nướng, kẹo…) và là nguồn trans fat có hại cho sức khỏe.
3 cách cơ bản để giảm mỡ xấu gồm axit béo bão hòa và trans fat trong chế độ ăn uống hàng ngày:
- Nên hạn chế ăn thịt mỡ cũng như các loại dầu quả nhiệt đới (cọ và dừa).
- Tránh mỡ trans fat bằng cách không dùng các sản phẩm ăn nhanh chiên rán, thực phẩm chế sẵn nhiều mỡ, nhiều đường.
- Thứ ba, nên dùng dầu thực vật tự nhiên, còn mới và có chất lượng cao. Tuyệt đối không dùng mỡ, dầu chiên lại nhiều lần vì đây là nguồn mỡ trans fat rất nguy hiểm.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia