Vitamin E (tocopherol) là loại vitamin tan trong dầu, có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại các phản ứng ôxy hóa có hại do các gốc tự do ở tế bào gây ra và quá trình lão hóa. Cơ thể chúng ta hấp thu được cả tocopherol thiên nhiên và nhân tạo, nhưng tocopherol tự nhiên trong thực phẩm có nhiều tác dụng tốt hơn. Vitamin E chịu được nhiệt độ khá cao và môi trường acid nhưng dễ bị phân hủy bởi tia tử ngoại và ôxy. Khi đun nấu ở nhiệt độ bình thường không làm mất vitamin E, nhưng khi chiên rán thực phẩm chìm trong dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp hay sấy khô thì mất khá nhiều vitamin E.
Vitamin E có rất nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc thiên nhiên như: đậu tương, giá đỗ, vừng, lạc, mầm lúa mạch, hạt hướng dương, dầu ô-liu, măng tây, các loại rau có lá màu xanh đậm…. Vitamin E được hấp thu ở ruột non cùng với các vitamin tan trong mỡ khác như A, D, K nhờ sự hỗ trợ của mật và chất béo. Thiếu vitamin E rất ít khi xảy ra, chỉ gặp trong các trường hợp bệnh nhân kém hấp thu chất béo ở ruột như bệnh Crohn, sau phẫu thuật, suy dinh dưỡng, trong vài bệnh di truyền đặc biệt. Thiếu vitamin E trong thời gian dài dẫn đến đi đứng không vững; không có phối hợp giữa các cơ bắp, yếu cơ bắp, giảm phản xạ; có thể đưa tới mù lòa, sa sút trí tuệ, loạn nhịp tim. Khi điều trị thiếu vitamin E cần theo chỉ định của bác sĩ. Vitamin E có độc tính tương đối thấp nhưng tự bổ sung quá nhiều vitamin E sẽ làm cơ thể bị mệt mỏi, nhức đầu, yếu cơ, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thị giác (nhìn một vật thành hai), khi ngừng uống các triệu chứng đó sẽ hết.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia