Gan lợn là thực phẩm giàu vitamin A và các nguyên tố vi lượng được nhiều người lựa chọn trong thực đơn cho bữa cơm trong gia đình.
Gan lợn ngoài các nguyên tố vi lượng như vitaminA, sắt còn là nơi tập trung các chất cặn bã gây hại sức khoẻ. Gan có nhiệm vụ chuyển hoá và phân giải chất độc nên nếu chức năng gan kém, gan bị bệnh sẽ không thải được chất độc ra ngoài, khi đó trong gan sẽ tồn dư nhiều mầm bệnh như các độc tố, các virut và vi khuẩn gây bệnh. Các loại kí sinh trùng như sán lá gan cũng thường trú ngụ ở gan.
Gan cũng như các loại phủ tạng khác như tim, bầu dục…. đều có chứa nhiều đạm, nhưng bên cạnh đó thì hàm lượng cholesterol lại cao do đó không tốt cho những người mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá, người bị tăng Cholesterol máu, xơ vữa động mạch, bệnh tiểu đường…. Trẻ em và phụ nữ đang nuôi con nhỏ, người bị thiếu máu thiếu sắt có thể ăn được gan và một số loại phủ tạng như tim, bầu dục, nhưng chỉ nên ăn 2-3 lần/ tuần, mỗi lần từ 50-70g đối với người lớn và 30-50g một bữa đối với trẻ em.
Khi mua gan lợn chú ý chọn gan có màu đỏ sẫm tươi, bề mặt mịn và không có những nốt sần, ấn tay vào miếng gan thấy có độ đàn hồi tốt, miếng gan dẻo, sáng đều là miếng gan có chất lượng tốt. Còn nếu trên bề mặt miếng gan không mịn, có những nốt sần cục màu vàng hoặc tím sẫm có mùi hôi là gan nhiễm bệnh, không được mua. Trước khi chế biến nên cắt mỏng từng miếng gan rửa sạch bằng nước lạnh , bóp hết máu đọng, lấy giấy ăn thấm khô hết máu trong gan để loại bỏ chất độc trong máu của gan, chỉ còn giữ lại các tế bào gan giàu chất dinh dưỡng, Không nên ăn gan còn tái mà phải nấu chín kỹ để diệt ký sinh trùng.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia