X

Bệnh hô hấp ở trẻ khi giao mùa

Đặt những bước chân sang tháng 10 cũng là lúc tiết trời chuyển hẳn sang thu. Khoảng thời gian giao mùa này, trẻ nhỏ rất dễ bị bệnh về đường hô hấp với các triệu chứng ho, sốt kéo dài, sổ mũi, kèm theo thở khò khè… Nếu cha mẹ chưa có kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc khi trẻ ốm, không để ý theo dõi cho trẻ đi khám và điều trị kịp thời, bệnh hô hấp ở trẻ có thể trở nặng và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Chính vì vậy, ALO AKIO số 7 vào 9h sáng Chủ Nhật ngày 03/10/2021 nối tiếp Nghìn lẻ câu chuyện dinh dưỡng & sức khỏe với chủ đề “Bệnh lý hô hấp ở trẻ khi giao mùa”. Bác sĩ CK1 Đỗ Mạnh Hà – Trung tâm sơ sinh, BV Sản Nhi Quảng Ninh đã giúp cha mẹ chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe con yêu với những thông tin thiết yếu và giải đáp các câu hỏi của các cha mẹ ở phần sau chương trình.

Bs. Đỗ Mạnh Hà đã chia sẻ 3 nội dung chính:

Nội dung thứ nhất là “Tổng quan tình hình bệnh tật cộng đồng”. Với bối cảnh tại Việt Nam có sự thay đổi về thời tiết và khí hậu, Bs. Hà đã lựa chọn sử dụng cỡ mẫu lớn từ các nghiên cứu đã được thực hiện tại Việt Nam để đảm bảo tính khách quan, chính xác và thực tế hơn. Theo nghiên cứu về thực trạng bệnh lý hô hấp và tử vong tại Trung tâm Nhi khoa Huế được nghiên cứu 5 năm (2009- 2013) với cỡ mẫu rất lớn, bệnh lý về nhiễm khuẩn và hô hấp có tỷ lệ mắc rất cao so với các bệnh lý khác. Cùng với đó, ở một nghiên cứu tại Khoa cấp cứu tổng hợp BV ĐKKV Hooc Môn năm 2015, bệnh lý hô hấp được số xếp thứ tư so với các bệnh lý khác.

Nội dung thứ hai là “Những dấu hiệu cần có sự tham vấn của bác sĩ và xử trí cấp cứu”. Mô hình giải phẫu cấu trúc đường hô hấp được chia làm 2 phần: Đường hô hấp trên (tai, xoang mũi, hầu và họng), đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, tiểu phế quản) với tỷ lệ mắc ở hai đường là như nhau.

Vậy thì những triệu chứng nào cần có sự tham vấn của bác sĩ? Thứ nhất, trẻ bị sốt trên 38,9ºC hoặc > 38ºC (nếu trẻ <6 tháng). Thứ hai, trẻ không thể ngừng ho và gặp tình trạng nôn, nôn nhiều. Cuối cùng, nếu có bất kì thắc mắc về tình trạng hay sự chăm sóc cho trẻ thì đều cần có sự tư vấn của bác sĩ.

Cha mẹ cũng cần nắm rõ những triệu chứng ở trẻ mà cần đến cơ sở y tế để xử trí. Thứ nhất, trẻ khó thở, thở khò khè. Thứ hai, môi hoặc móng tay của trẻ hơi xanh hoặc xám. Thứ ba, da giữa các xương sườn và xung quanh cổ của trẻ xuất hiện co kéo theo mỗi nhịp thở. Thứ tư, trẻ 3 tháng tuổi và bị sốt. Cuối cùng là, trẻ có các dầu hiệu mất nước như môi khô, miệng khô, quấy khóc không ra nước mắt, tiểu ít…

Bs. Hà đã minh họa chi tiết các dấu hiệu khó thở, rút lõm lồng ngực của trẻ bằng video tài liệu của Tổ chức y tế thế giới kết hợp với UNICEF nhằm giúp cộng đồng theo dõi và phát hiện những dấu hiệu này trên chính trẻ nhỏ tại gia đình mình để có hướng xử trí kịp thời.

Nội dung thứ ba, “Dinh dưỡng cho trẻ đối với bệnh lý hô hấp và cách chăm sóc tại nhà”. Về cách chăm sóc tại nhà, nên để trẻ nghỉ ngơi, ngủ càng nhiều càng tốt. Bên cạnh đó, cha mẹ cần đo nhiệt độ cho trẻ ít nhất 2 lần/ngày (sáng, tối).

Về dinh dưỡng cho trẻ trong bệnh lý hô hấp: Phải đảm bảo rằng trẻ không xuất hiện các dấu hiệu mất nước (đối với trẻ dưới 1 tuổi: bú sữa mẹ hoặc sữa công thức; trẻ > 1 tuổi: vẫn sử dụng sữa mẹ và cân nhắc sử dụng thêm sữa nguyên kem tăng năng lượng và các loại nước ép trái cây…) Cha mẹ cần nhớ “Ăn và uống có thể khiến trẻ dễ mệt mỏi, vì vậy hãy cho trẻ ăn một lượng nhỏ thức ăn và chất lỏng thường xuyên hơn bình thường”. Chế độ ăn cần giàu năng lượng và chất đạm. Trái cây, rau, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa sẽ cung cấp các loại vitamin và khoáng chất, chất chống oxy hóa. Theo đó Trung tâm Y tế Đại học Maryland đề xuất một số biện pháp dinh dưỡng hỗ trợ như “mật ong” được coi là một phương thuốc không kê đơn hiệu quả để giảm ho và đau họng (tuy nhiên không khuyến nghị sử dụng cho trẻ < 1 tuổi). Một số loại thảo mộc như bạc hà, bạch đàn, cỏ xạ hương làm giảm triệu chứng và thông thoáng đường thở. Ngoài ra, vitamin C, E, A có tác dụng quan trọng cải thiện hệ thống miễn dịch, lưu ý cần sự tham khảo của bác sĩ về liều khuyến nghị dùng cho trẻ.

Ngoài ra Bs. Đỗ Mạnh Hà đưa ra cách dự phòng bệnh lý hô hấp và cung cấp các phương pháp bổ trợ làm thông thoáng đường thở cho trẻ được trích dẫn từ văn bản “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid” của Bộ Y tế: Sát khuẩn/ vệ sinh tại chỗ vùng mũi họng; xông phòng ở, nơi làm việc.

Trước khi giải đáp những thắc mắc của các cha mẹ gặp phải khi chăm sóc con ốm, Bs. Hà đã tổng kết lại bài chia sẻ: Viêm đường hô hấp là một bệnh lý, thường gặp ở trẻ em căn nguyên hay do nhiễm khuẩn. Dấu hiệu nặng gồm suy hô hấp và mất nước cần được quan tâm dự phòng khi chăm sóc trẻ tại nhà, đưa trẻ đi khám nếu dấu hiệu chuyển nặng. Dinh dưỡng đúng sẽ góp  phần dự phòng, giảm thời gian bị bệnh và phòng bệnh chủ động bằng tiêm vacxine.

Nghìn lẻ một câu chuyện Dinh dưỡng & Sức khỏe không chỉ là hoạt động chia sẻ và hỗ trợ hỏi đáp hướng cộng đồng phi lợi nhuận mà còn là không gian “trở về” mỗi sáng Chủ Nhật của các bác sĩ/chuyên gia trong ngành y tế/dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe nói chung. Chính vì vậy, ngoài chia sẻ từ diễn giả chính là Bs. Đỗ Mạnh Hà thì các cha mẹ cũng đã nhận được thêm những lưu ý bổ sung rất bổ ích từ kinh nghiệm rất nhiều năm trong nghề của TS. BS. Trần Thị Nguyệt Nga – Trưởng khoa Nội & Dinh dưỡng, BV hữu nghị Việt Nam Cu Ba, Bs. CK1 Ngô Quốc Hùng ở Long An…

Hi vọng, không gian chia sẻ & học tập những kiến thức chuẩn hóa và kinh nghiệm thực hành dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe của ALO AKIO mỗi tuần sẽ được đón thêm ngày càng nhiều “người bạn” mới!

 

Video chương trình