X

Bà bầu ăn trứng ngỗng sinh con có thông minh hơn không?

“Bà bầu ăn trứng ngỗng sinh con thông minh vượt trội”, chính bởi quan niệm này nên trứng ngỗng xuất hiện trong thực đơn của nhiều mẹ bầu. Vậy thực hư ra sao? Mẹ bầu ăn trứng ngỗng có tác dụng gì? Ăn trứng ngỗng có tốt cho mẹ bầu và thai nhi không? Nên ăn món trứng ngỗng vào tháng thứ mấy của thai kỳ là tốt nhất? Đáp án sẽ có ngay trong nội dung bài viết sau đây.

Bà bầu ăn trứng ngỗng có tác dụng gì?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trứng ngỗng là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Trong trứng ngỗng có chứa nhiều thành phần dưỡng chất quan trọng có lợi cho sự phát triển của thai nhi như: protein, lipit, canxi, photpho, sắt, vitamin nhóm B, vitamin PP, vitamin A… Một số công dụng khi bà bầu ăn trứng ngỗng như:

  • Cung cấp lượng protein dồi dào

Trong 100g trứng ngỗng có chứa tới 13g chất đạm. Ăn trứng ngỗng giúp bổ sung lượng protein dồi dào cho cơ thể, tiếp thêm năng lượng, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa cảm lạnh cho mẹ bầu.

  • Ngăn ngừa dị tật ống thần kinh bẩm sinh ở thai nhi

Trong trứng ngỗng có chứa acid folic. Mẹ bầu ăn trứng ngỗng giúp bổ sung hàm lượng acid folic tự nhiên, có tác dụng ngăn ngừa dị tật ống thần kinh bẩm sinh ở thai nhi.

Bên cạnh đó, trong lòng đỏ của trứng ngỗng có chứa nhiều hợp chất Lecithin. Dưỡng chất dinh dưỡng này có công dụng hỗ trợ phát triển trí não cho bé ngay từ trong bụng mẹ.

  • Cải thiện và tăng cường trí nhớ

Các amino axit có trong trứng ngỗng còn giúp mẹ bầu bổ ích khí huyết. Lecithin là chất hữu ích tốt cho việc cải thiện và tăng cường trí nhớ. Phụ nữ mang thai bị suy giảm trí nhớ có thể ăn trứng ngỗng luộc hoặc hấp giúp cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả.

Bà bầu ăn trứng ngỗng có tốt không?

Dù giá trị dinh dưỡng của trứng ngỗng không thể sánh bì được với các loại trứng gia cầm thủy cầm khác như: trứng gà, trứng vịt, trứng cút… nhưng trứng ngỗng vẫn chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể. Vì vậy, nếu bạn đang băn khoăn rằng “bà bầu ăn trứng ngỗng có tốt không”, thì đáp án là “có”. Tuy nhiên, nó không tốt đến mức như nhiều người vẫn lầm tưởng.

  • Bà bầu bị béo phì, rối loạn lipid không nên ăn trứng ngỗng

Trong trứng ngỗng chứa rất nhiều cholesterol. Với những mẹ bầu có tiền sử hay đang mắc chứng béo phì, rối loạn lipid máu thì không nên ăn trứng ngỗng khi mang thai.

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp cũng là đối tượng được khuyến cáo không nên ăn trứng ngỗng để hạn chế những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

  • Bà bầu ăn trứng gà với trứng ngỗng loại nào tốt hơn?

– Về giá trị dinh dưỡng: trứng gà giàu dinh dưỡng hơn trứng ngỗng.

– Về tài chính: giá trứng ngỗng đắt hơn gấp chục lần so với giá trứng gà (khoảng 30 -40 ngàn đồng/quả). Hơn nữa, kích thước và khối lượng của trứng ngỗng khá lớn. Một quả trứng ngỗng có thể nặng đến 300g, ăn nhiều trứng ngỗng dễ gây ngán ăn, khó tiêu.

– Về an toàn vệ sinh thực phẩm: gà là loại gia cầm sống trên cạn, ngỗng vừa sống ở dưới nước vừa sống trên cạn. So với trứng ngỗng, trứng gà an toàn hơn vì gà đẻ trứng nơi khô ráo, hạn chế được tình trạng bị nhiễm khuẩn và ký sinh trùng.

Về quan niệm ăn trứng ngỗng giúp con thông minh, hiện vẫn chưa có một nghiên cứu nào chứng minh cho điều này. Thực tế, một đứa trẻ thông minh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: dinh dưỡng, môi trường giáo dục, yếu tố di truyền…

Do đó, nếu mẹ bầu băn khoăn nên chọn trứng ngỗng hay trứng gà thì lời khuyên là nên ăn 5 – 6 quả trứng gà/tuần sẽ tốt hơn việc mẹ bầu ăn 1 quả trứng ngỗng/tuần. Ngoài trứng gà, mẹ bầu có thể lựa chọn các thực phẩm có lợi hơn để thay thế trứng ngỗng như: thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn), thịt gà, hải sản, rau xanh và hoa quả…

Bà bầu ăn trứng ngỗng vào tháng thứ mấy tốt cho thai nhi?

Trứng ngỗng là loại thực phẩm lành tính, vì thế mẹ bầu có thể ăn nó vào bất cứ tháng nào trong thai kỳ. Với những mẹ bầu bị ốm nghén, tốt hơn hết không nên ăn trứng ngỗng vào 3 tháng đầu.

Trứng ngỗng có vị ngọt, tính ấm, nhưng lại khá tanh. Mẹ bầu ăn trứng ngỗng không nên ăn quá 1 quả/tuần. Ăn nhiều trứng ngỗng có thể gây khó tiêu, gây dư thừa protein, lipid, không có lợi cho sức khỏe.

Cách chế biến trứng ngỗng cho bà bầu

Thời kỳ mang thai, chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của thai nhi. Ngoài việc cung cấp đủ các dưỡng chất cho thai nhi phát triển, bà bầu cần đảm bảo việc ăn chín uống sôi để không gây tổn hại đến sức khỏe.

Với trứng ngỗng, mẹ bầu có thể chế biến luộc, hấp hay biến tấu thành món trứng chiên, trứng rán… để bớt ngán hơn khi ăn.

  • Cách luộc trứng ngỗng cho bà bầu

Để luộc trứng ngỗng, mẹ bầu cần rửa sạch trứng trước khi luộc. Cho trứng vào nồi và cho thêm ít hạt muối vào luộc chung. Muối có công dụng giúp sát khuẩn, đồng thời giúp mẹ bầu dễ dàng bóc vỏ trứng khi trứng được luộc chín.

Luộc trứng từ 15 – 20 phút để trứng chín hẳn rồi đem tắt bếp. Với món trứng ngỗng, không nên ăn lòng đào vì vị tanh rất khó ăn. Hơn nữa, ăn trứng ngỗng lòng đào có thể khiến mẹ bầu dễ bị tiêu chảy.

Một lưu ý quan trọng, mẹ bầu không nên ngâm trứng vào nước lã sau khi luộc. Nếu muốn tách vỏ dễ dàng, hãy ngâm trứng ngỗng mới luộc xong tầm 3 – 5 phút trong nước đun sôi để nguội để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn.

  • Cách rán trứng ngỗng cho bà bầu

Mẹ bầu đã ngán với món trứng ngỗng luộc, vậy hãy thử biến tấu trứng ngỗng cùng một số loại thực phẩm và gia vị khác để có món trứng ngỗng rán thơm ngon nhé.

 

– Nguyên liệu chuẩn bị:

+ Trứng ngỗng: 1 quả.

+ Thịt bò: 100g.

+ Hành, rau mùi và gia vị vừa đủ: hạt nêm, bột ngọt.

– Cách chế biến:

+ Thịt bò rửa sạch băm nhỏ. Trứng ngỗng đập vào bát tô lớn, cho thêm gia vị rồi đánh tan. 

+ Đặt chảo lên bếp cho dầu ăn vào, khi dầu sôi thì cho hành khô băm nhỏ vào phi thơm. Sau đó cho thịt bò vào xào chín tới rồi múc ra bát.

+ Đặt chảo khác lên bếp, đun sôi dầu rồi cho trứng ngỗng vào rán. Sau khi đổ trứng ngỗng, rải đều thịt bò lên bề mặt trứng rồi vặn nhỏ lửa, đậy vung lại để trứng và thịt bò được chín đều. 

+ Khi trứng chín, cho thêm hành lá và mùi ta thái nhỏ lên trên để tạo mùi thơm và màu sắc hấp dẫn cho món ăn. Việc cuối cùng là cho trứng ra đĩa và thưởng thức thôi mẹ bầu nhé!

Trứng ngỗng là nguồn cung cấp dưỡng chất an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu chỉ nên coi nó như một loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng thôi nhé. Bà bầu ăn trứng ngỗng không có công dụng thần thánh giúp bé thông minh như quan niệm dân gian, vì thế đừng nên lạm dụng ăn quá nhiều. Hãy thông minh trong việc lựa chọn các thực phẩm tốt cho bà bầu. Chúc mẹ bầu và bé yêu có một thai kỳ khỏe mạnh.