Thử nghiệm muối 2 hộp dưa, một hộp có sử dụng axít chanh và một hộp không dùng axít. Kết quả dưa dùng axít sau 3 tiếng lá đã ngả màu vàng, sau một đêm là ăn được. Khi ăn dưa có vị chua giòn nhưng hơi gắt. Còn dưa không có axít qua một đêm lá vẫn xanh ngắt, không ăn được. Với nước rau muống luộc, khi vẩy thêm axít chanh vào, ngay lập tức nước rau đổi màu như có đánh dấm me, nước có vị chua, nhưng sau vị chua, nếu để ý sẽ có vị hơi chát, không thơm mùi me.
Axít chanh đơn thuần chỉ là chất tạo vị chua.
Axít chanh chính là axít citric, được phép dùng trong công nghiệp thực phẩm, dùng để cho vào kẹo, bánh, nước giải khát. Chỉ có điều , axít này có lẫn tạp chất hay không, tạp chất đó là gì, điều đó nói lên độ tinh, sạch, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Với cà, dưa muối xổi, cho axit chanh vào thì nhanh được ăn, nhưng nó không có quá trình lên men tự nhiên, nhìn bề ngoài thì dưa cà có vẻ đã muối chín nhưng thực ra bên trong thì chưa. Như vậy thực ra dưa cà muối mà có axít chanh thì nhanh được ăn hơn nhưng lượng nitrit trong đó vẫn còn cao, khi vào cơ thể sẽ kết hợp với các gốc amin của thức ăn tạo thành nitrosamine là chất gây ung thư. Nếu dùng axít chanh thay me, chanh quả thì không có vị thơm. Đây đơn thuần là chất tạo vị chua, ngoài ra axit này còn được dùng để tẩy màu. Nếu quần áo bị bẩn có thể dùng thuốc tím để oxy hoá chất màu, sau đó ngâm axit chanh để quần áo trắng, sạch.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia