Thông tin trên xuất phát từ một thí nghiệm của Tiến sĩ Olney (tại Mỹ) vào năm 1969 trên chuột sơ sinh từ 2 – 9 ngày tuổi, với phương pháp tiêm trực tiếp dưới da chuột một lượng lớn mì chính từ 0,5 – 4g/kg thể trọng. Thí nghiệm này đã ghi nhận một số tổn thương trên não của chuột.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy rằng thí nghiệm trên không mang tính thực tế khi áp dụng trên người, cụ thể là:
Thứ nhất, liều lượng dùng cho thí nghiệm là quá lớn. Đối với người có thể trọng 60kg, liều lượng này tương đương với khoảng từ 30 – 240 gam mì chính. Trên thực tế, liều lượng này không xảy ra với người khi sử dụng mì chính dưới dạng gia vị.
Thứ hai, phương pháp tiêm trực tiếp dùng trong thí nghiệm khác với cách sử dụng mì chính dưới dạng gia vị thông thường ở người.
Thứ ba, cơ thể người luôn tồn tại các cơ chế bảo vệ tự nhiên thông qua hàng rào ở nhau thai, ở ruột và ở não giúp ngăn những thành phần của thực phẩm không cần thiết cho hoạt động của não di chuyển vào não, trong đó có mì chính, mà các cơ chế này có thể chưa hoàn chỉnh ở loài gặm nhấm. Nhau thai giúp ngăn glutamate là thành phần chính của mì chính đi từ huyết tương người mẹ vào bào thai. Tế bào ruột sử dụng glutamate như nguồn năng lượng và do vậy hầu hết glutamate ăn vào được tiêu thụ ở ruột. Cuối cùng, hàng rào máu não được tạo thành bởi các tế bào não ngăn glutamate di chuyển từ máu vào não. Mặc dù glutamate đóng vai trò là chất dẫn truyền thần kinh não bộ nhưng glutamate cần thiết cho hoạt động của não được tổng hợp từ bản thân các tế bào não chứ không được lấy từ thực phẩm.
Như vậy, việc sử dụng mì chính như một gia vị trong chế biến món ăn không gây ảnh hưởng đến trí não của cả người lớn và trẻ em.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia