Biếng ăn thực sự đang là nỗi “ám ảnh” và thường gặp ở rất nhiều gia đình có trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Khi đó, cha mẹ thường có xu hướng ép con ăn nhưng việc này lại không mấy đem lại kết quả khả quan. Biếng ăn kéo dài sẽ khiến trẻ chậm tăng cân, chiều cao thấp hơn so với các trẻ cùng trang lứa, hệ miễn dịch suy giảm, thậm chí có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí não của trẻ. Để cùng con yêu thoát khỏi “vòng xoáy” ăn kém – dễ ốm – ăn kém… cha mẹ cần có những hiểu biết cơ bản cần thiết cũng như kiên trì trong việc chăm sóc.
Chính vì vậy, ALO AKIO số 13 vào 9h – 10h sáng Chủ Nhật ngày 14/11/2021 đã giúp cha mẹ “gỡ rối” vấn đề này với chủ đề “Biếng ăn ở trẻ em” cùng Ths, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng Nhi Nguyễn Phương My – Trung tâm dinh dưỡng Hà Nội.
Ths. Nguyễn Phương My cho biết: “Trong quá trình nuôi dưỡng trẻ nhỏ, ít nhất sẽ có một giai đoạn nào đó trẻ gặp tình trạng biếng ăn. Vì thế, ba mẹ cần có những hiểu biết cũng như là giải pháp phù hợp đối với bé yêu của mình”.
Tại chương trình, diễn giả chia sẻ 5 nội dung chính.
Biếng ăn là gì?
Theo Ths. Phương My, biếng ăn là trẻ không chịu ăn đủ số lượng thức ăn cần thiết do mất sự ngon miệng, thời gian bữa ăn của trẻ kéo dài tối đa 30 phút và không ăn đa dạng thực phẩm. Trong quá trình khám và tư vấn dinh dưỡng, Ths. My đã gặp rất nhiều trường hợp cha mẹ cho con đến khám dinh dưỡng nói rằng “bé nhà mình rất biếng ăn”. Tuy nhiên, khi khai thác tất cả thông tin cơ bản về lịch sinh hoạt hàng ngày của con từ phía phụ huynh thì thấy rằng con thậm chí còn ăn nhiều hơn so với lứa tuổi nhưng cha mẹ thì lại đem con mình so sánh với “con nhà người ta”. Vì vậy, muốn biết con mình có thực sự biếng ăn hay không thì cần biết là lứa tuổi của con cần ăn bao nhiêu? ăn như thế nào? cho phù hợp.
Đặc điểm của biếng ăn
Biếng ăn không hẳn là một bệnh. Nó được coi là một triệu chứng hay là một vấn đề mà con đang gặp phải trong quá trình trưởng thành. Nếu như biếng ăn lâu dài có thể để lại hậu quả nghiêm trọng tạo nên một “vòng xoắn” bệnh lý. Vì vậy, mặc dù biếng ăn không phải là một bệnh lý nhưng nó là nguy cơ dẫn đến bệnh lý của trẻ.
Nguyên nhân biếng ăn
Nguyên nhân thứ nhất là từ phía trẻ. Nếu trẻ có biếng ăn bẩm sinh thì cũng chỉ chiếm từ 3 – 5 %. Vời những trẻ này thì khi được sinh ra con đã có tình trạng biếng ăn và can thiệp sẽ rất khó khăn, cần thời gian dài. Bên cạnh đó biếng ăn còn do tâm lý của trẻ. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất và hay gặp ở những trẻ lớn. Nó làm ảnh hưởng đến việc dung nạp thức ăn cũng như tiêu hóa của trẻ.
Nguyên nhân thứ hai là từ phía gia đình, do kỳ vọng, áp lực của gia đình nên ép con ăn và chọn thức ăn bổ sung chưa hợp lý cho con.
Nguyên nhân thứ ba là vấn đề về vòng xoắn bệnh lý như liên quan tới viêm đường tiêu hóa, thiếu vi chất dinh dưỡng, nhiễm kí sinh trùng,…
Và với mỗi nguyên nhân sẽ có hướng giải quyết khác nhau.
Nguyên tắc điều trị – Điều trị từ nguyên nhân
Thứ nhất cần phải kiểm tra để xác định trẻ biếng ăn là do đâu? Có phải là trẻ đang bị bệnh? Trẻ xuất hiện biếng ăn từ khi nào và có những biểu hiện ra sao? Thăm khám lâm sàng để biết được trẻ có tình trạng thiếu vi chất được biểu hiện ra bên ngoài? Tiếp theo cha mẹ cần phải thiết lập những nguyên tắc trong bữa ăn kèm theo trao đổi với trẻ, tạo cho trẻ tâm lý thoải mái khi điều trị biếng ăn.
Dấu hiệu nhận biết
Từ kinh nghiệm trong quá trình khám và tư vấn dinh dưỡng, Ths. Phương My đã rút ra những nhận định cá nhân về những dấu hiệu nhận biết.
- Với biếng ăn sinh lý (thường xuất hiện ở trẻ dưới 1 tuổi), dấu hiệu nhận biết là trẻ từ chối ăn uống trong một vài ngày và thường thấy ở giai đoạn trẻ tập lẫy, tập bò, tập ăn đồ ăn mới.
- Với biếng ăn do thiếu hụt vi chất (thường gặp ở trẻ trên 1 tuổi), dấu hiệu nhận biết là kén chọn đồ ăn, ăn uống không ngon miệng kèm theo triệu chứng: da khô, móng tay sần, xước măng rô, tóc lơ thơ… ăn ít hơn so với khẩu phần.
- Biếng ăn bệnh lý thì hay gặp ở trẻ có bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa, táo bón, nhiễm kí sinh trùng, viêm đường hô hấp trên.
- Với biếng ăn tâm lý (gặp rất nhiều ở các trẻ), dấu hiệu nhận biết là sợ khi nhìn thấy đồ ăn, khóc mỗi khi đến bữa ăn, không có hứng thú với thức ăn và ăn rất ít so với khẩu phần hàng ngày. “Biếng ăn tâm lý” là một rối loạn tâm lý nghiêm trọng đặc trưng bởi sự giảm thèm ăn rõ rệt hoặc có ác cảm với các loại thức ăn.
Cuối cùng, thông điệp Chuyên gia dinh dưỡng Phương My muốn gửi gắm đến cộng đồng đó là “Kỷ luật yêu thương” với năm bước cải thiện.
- Cha mẹ cần phải xây dựng cho con lịch sinh hoạt phù hợp với “cá nhân” của con.
- Trò chuyện với con về lịch sinh hoạt sau khi đã lên kế hoạch.
- Trò chuyện với con trước và sau bữa ăn, đưa ra kỷ luật khen chê và theo nguyên tắc “khen trước – chê sau”.
- Áp dụng kiên trí và đều đặn hàng ngày.
- Cuối cùng là yêu thương con mọi lúc mọi nơi.
Kết luận lại, Biếng ăn ở trẻ không hẳn là một căn bệnh. Nó xuất hiện từ nhiều nguyên nhân như là từ phía gia đình, do bệnh lý hay từ phía trẻ (do tâm lý hay trẻ kén ăn). Nếu để tình trạng này kéo dài thường xuyên dẫn tới nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho hiện tại và tương lai của trẻ. Điều này cũng chính là thử thách của các cha mẹ trong việc kiên nhẫn cũng như có những kỷ luật trong bữa ăn của trẻ tạo cho trẻ những nguyên tắc nề nếp và thói quen tốt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tạo cho trẻ một tâm lý thoải mái trong các bữa ăn, thức ăn thì cần sự đa dạng và phù hợp với độ tuổi của trẻ, lắng nghe trẻ và trò chuyện với trẻ nhiều hơn.
Kết thúc bài chia sẻ, Ths. Phương My minh họa một trường hợp biếng ăn cụ thể của một trẻ nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về bài chia sẻ trước khi sang phần hỏi đáp cuối chương trình.
Video chương trình: