ALO AKIO đã đi qua 10 chủ đề với những chia sẻ đầy tâm huyết của các diễn giả cùng sự cầu thị ham học hỏi cũng như sự hưởng ứng, đón nhận lớn từ cộng đồng. Không chỉ cung cấp kiến thức chuẩn hóa qua các buổi chia sẻ mà ALO AKIO còn đồng hành cùng cộng đồng để giải đáp các thắc mắc qua các kênh thông tin chính thức của chương trình.
Do thời lượng hạn hẹp nên nhiều câu hỏi chưa được diễn giả giải đáp ngay tại chương trình. Chính vì vậy, ALO AKIO vào 9h – 10h sáng Chủ Nhật ngày 07/11/2021 đã dành riêng để “tổng kết”, để “thỏa” mọi thắc mắc của cộng đồng về 10 chủ đề đã được chia sẻ. Bên cạnh Ban cố vấn chuyên môn của chương trình, các bác sĩ từ nhiều chuyên ngành khác nhau như nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, hồi sức cấp cứu, ung bướu, y học cổ truyền… là thành viên Câu lạc bộ Tiết chế Dinh dưỡng Ứng dụng đã tham gia trả lời các câu hỏi của cộng đồng.
- TS. BS Nguyễn Đỗ Huy – GĐ Trung tâm đào tạo, Viện dinh dưỡng Quốc gia
- BS. Trần Thị Nguyệt Nga – Trưởng khoa Nội, BV Hữu nghị Việt Nam Cu Ba
- BS. CK 1 Doãn Thị Tường Vi – Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV 198
- BS. CK 1 Hồi sức cấp cứu Ngô Quốc Hùng
- BS. Đặng Đức Ngọc – Khoa dinh dưỡng lâm sàng – Bệnh viện E | Bộ môn Dinh dưỡng lâm sàng & Y học gia đình – ĐH Y Dược, ĐHQGHN
- Lưu Kim Lệ Hằng – Giảng viên bộ môn Hóa Sinh, CĐ Y tế Phú Yên
- Nguyễn Phương My – Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng Nhi, Trung tâm dinh dưỡng Hà Nội
Dưới đây là một số câu hỏi nổi bật trong chương trình.
Bé trai nhà em hiện tại 14 tháng. Từ nhỏ đến giờ, bé bú mẹ hoàn toàn. Từ 12 tháng, em có cho bé dặm thêm sữa ngoài 1-2 bữa/ngày. Thời gian đầu, em cho bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy BLW trong 2 tháng nhưng bé không chịu ăn lắm và chững cân nên e chuyển sang cho bé ăn cháo truyền thống. Thời gian đầu, bé cũng chịu ăn nhưng không lên cân lắm. Gần đây, bé không ăn cháo nữa, em xay cơm bé cũng không ăn. Em cho ăn cơm và thức ăn với gia đình thì hôm ăn được hôm không. Hiện tại bé được 8.1kg và cao 73cm. Em có cho bé đi khám dinh dưỡng và xét nghiệm máu hồi bé 12 tháng thì chỉ số bình thường (chỉ hơi thiếu sắt tự do 1 chút nhưng BS bảo không sao). Từ nhỏ đến lớn thì bé ít ôm vặt nhưng mà đêm hay quấy khóc, chưa bao giờ ngủ xuyên đêm cả. Các mốc vận động của con tốt và hiện tại có thể nói được nhiều từ đơn rồi ạ. Mong chuyên gia tư vấn giúp em để cải thiện tình trạng ăn uống và ngủ của bé ạ!
ThS. BS. Đặng Đức Ngọc cho lời khuyên: Hiện tại, cả chiều dài và cân nặng của bé đều thấp hơn nhiều so với mức trung bình chuẩn, biểu hiện nguy cơ suy dinh dưỡng thể thấp còi và nhẹ cân. Điều này liên quan đến chế độ dinh dưỡng và chăm sóc của gia đình, sẽ dẫn tới thiếu vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của bé như vitamin D3, Sắt, Kẽm… Trường hợp này, trẻ cần được thăm khám, tư vấn trực tiếp và can thiệp dinh dưỡng là một quá trình, bố mẹ nên kiên trì phối hợp thực hiện, theo dõi và điều chỉnh cùng bác sĩ.
Tôi mắc Đái tháo đường đã 20 năm, hiện tại đang dùng thuốc qua đường uống và đường huyết vẫn được kiểm soát ổn định. Tuy nhiên, BS điều trị đưa ra lời khuyên là nên chuyển sang tiêm insulin để tuyến tụy được nghỉ ngơi. Tôi băn khoăn về lời khuyên này và muốn tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia?
BS. Trần Thị Nguyệt Nga – Trưởng khoa Nội, BV Hữu nghị Việt Nam Cu Ba cho rằng bệnh nhân đang kiểm soát đường huyết tốt với việc dùng thuốc rất hiệu quả. Các loại thuốc uống hiện nay đa số tránh được tình trạng hạ đường huyết. Ngược lại, cơ chế tiêm insulin với mục đích làm hạ đường huyết nhanh chóng làm tăng nguy cơ dẫn tới biến chứng hôn mê nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân. Chính vì vậy, BS Nga khuyên bệnh nhân nên duy trì liều hàng ngày kết hợp với chế độ ăn hợp lý.
Dì em bị bệnh tim mạch được BS khuyên nên hạn chế dùng đồ chiên xào, dầu mỡ,… Dì còn bị huyết áp thấp kèm theo tiểu cầu thấp. Vậy dì em có dùng được Omega 3 không ạ? Nếu không được thì mình bổ sung chất béo như nào cho hợp lý?
CK1 Hồi sức cấp cứu Ngô Quốc Hùng cho biết: Cơ thể chúng ta cần Omega 3 nhưng lại không thể tự tổng hợp được nên phải bổ sung hàng ngày từ bên ngoài. Có một số nghiên cứu cho thấy rằng Omega 3 làm cho bề mặt của tiểu cầu trơn láng, điều này giúp giảm nguy cơ tiểu cầu kết dính lại hình thành nên cục máu đông. Tuy nhiên các nghiên cứu này vẫn chưa được công bố rộng rãi. Bên cạnh đó cũng phải kể tới rằng liều lượng sử dụng, tần suất, chỉ số hấp thu của Omega 3 đối với cơ thể bệnh nhân là bao nhiêu? Lời khuyên dành cho bệnh nhân là người bị tiểu cầu thấp vẫn sử dụng Omega 3 bình thường với liều lượng khuyến nghị và “cân bằng” mức hấp thu với cơ thể.
ThS.BS. Đặng Đức Ngọc bổ sung thêm: Thứ nhất cần làm rõ chỉ số tiểu cầu có ở ngưỡng đáng lo ngại hay không? Thứ hai, theo nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ với liều rất cao từ 3- 4 gram Omega 3/ngày mới có nguy cơ gây ra tình trạng xuất huyết, liều thông thường 1 gram Omega 3/ngày thì ít xảy ra biến chứng. Bên cạnh đó BS Ngọc lưu ý rằng đối với việc xảy ra biến chứng xuất huyết cũng cần theo dõi và đánh giá trên từng cá thể người bệnh. Việc kiêng hoàn toàn chất béo trong thực phẩm đối với bệnh lý tim mạch là sai lầm. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chúng ta không nên ăn chất béo ít hơn 10% tổng lượng khẩu phần. Nếu ăn nhỏ hơn sẽ kéo theo những rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sự hấp thu nhóm vitamin tan trong dầu như: A, D, E, K. Bên cạnh đó hoạt động của chức năng gan hay nói cách khác là quá trình tạo muối mật và acid mật sẽ bị ảnh hưởng.
Vừa rồi, tôi đi siêu âm thì có phát hiện ra là bị Sỏi túi mật với đường kính 5 mm. Hiện tại tôi chưa can thiệp gì cả và có sử dụng một số sản phẩm Thực phẩm chức năng. Xin nhờ Bác sĩ, chuyên gia tư vấn về dinh dưỡng có cách nào xử lý mà không cần can thiệp dùng thuốc hoặc phẫu thuật?
Ngô Quốc Hùng giải đáp: Thường mọi người hay nói nôm na rằng có 2 loại sỏi túi mật là “sỏi nhà nghèo” và “sỏi nhà giàu”. “Sỏi nhà nghèo” thường do giun chui túi mật bị chết ở đó gây đau dữ dội và hiện nay xã hội phát triển tiên tiến cho nên đa số không còn xuất hiện tình trạng này. “Sỏi nhà giàu” thường do chế độ ăn nhiều dầu, mỡ, xào, rán… tạo ra những viên sỏi, những mảng cholesterol, chất béo chuyển hóa sẽ hình thành nên những viên sỏi này. Và việc điều trị cũng cần phải tuân thủ theo hai nhóm nguyên nhân này. Trước mắt cần phải điều chỉnh lại chế độ ăn của bản thân cho hợp lý, hạn chế sử dụng đồ chiên, xào, rán… nhằm giảm bớt công suất làm việc của túi mật.
Bên cạnh đó, ThS. BS. Doãn Thị Tường Vi – Nguyên trưởng khoa dinh dưỡng BV 198 cũng có một số góp ý. BS Vi cho biết rằng vấn đề sỏi mật cần hết sức lưu ý. Ngoài những nguyên nhân nêu trên thì nguyên nhân “nhịn ăn sáng” cũng là nguy cơ hình thành sỏi mật rất cao. Cho nên dù là sỏi nó kích cỡ như thế nào, nếu hiện tại nó vẫn im lặng, chưa ảnh hưởng cơ thể thì chúng ta cần điều chỉnh chế độ ăn như BS Hùng vừa chia sẻ và chung sống hòa bình với nó. Nhưng người bệnh phải thường xuyên theo lịch hẹn khám của BS điều trị, đi kiểm tra để có hướng điều trị ngoại khoa thích hợp, tránh trường hợp sỏi to lên rơi xuống những đường dẫn mật gây tắc nghẽn ảnh hưởng tới sức khỏe.
ThS. Lưu Kim Lệ Hằng điều phối chương trình có kết luận rằng 80% nguyên nhân dẫn đến bệnh lý là từ chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày – những điều tưởng chừng như đơn giản. Và người xưa vẫn thường nói “Bệnh thì từ miệng mà vào, họa thì từ miệng mà ra”. Cho nên AKIO luôn hướng đến việc nâng cao nhận thức cũng như hiểu biết của cộng đồng về Dinh dưỡng & Sức khỏe, góp phần giúp mỗi người dân là “bác sĩ tốt nhất của chính mình” và mỗi gia đình là “cơ sở y tế đầu tiên”.
Video chương trình: