Tuần 20 có lẽ là khoảng thời gian thư giãn nhất trong suốt thai kỳ. Những cơn ốm nghén đã chấm dứt hoàn toàn, cảm giác nặng nề khi mang thai cũng chưa thật sự rõ nét. Nhưng cũng đừng chủ quan quá nhé, hãy tham khảo thêm nội dung bài viết sau đây để hiểu hơn về sự phát triển thai nhi tuần 20 cũng như những lưu ý mẹ cần nắm trong thời gian này.
Sự phát triển của thai nhi tuần 20 như thế nào?
Ở tuần thai thứ 20, bé nặng khoảng 300g và có chiều dài trung bình là 26cm. Đây là thời gian cơ thể bé tập trung phát triển não bộ và hệ thần kinh. Các giác quan vị giác, khứu giác, thính giác và xúc giác đã có những tế bào thần kinh đảm nhận nhiệm vụ chuyên biệt.
Bên cạnh đó, não bé cũng tăng trưởng rất nhanh về kích thước, hình thành thêm nhiều kết nối phức tạp. Từ thời điểm này đến khi bé được sinh ra, não bé sẽ tăng gấp 6 lần về mặt khối lượng. Vì vậy, mẹ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để con phát triển hoàn thiện về trí tuệ.
Nếu như các tuần trước đó, da của bé vẫn còn khá mỏng và trong suốt thì đến tuần 20, da của bé đã dày hơn nhiều và phát triển thêm các lớp da cần thiết. Tóc và móng tay của bé cũng dần hoàn thiện hơn nhiều. Quan sát sự phát triển thai nhi tuần 20, chúng ta nhận thấy rất rõ sự phát triển rất nhanh về chiều dài của chân và tay bé.
Lúc này, tứ chi của bé đã phát triển khá cân đối so với cơ thể. Tay và chân bé vẫn đang trong giai đoạn phát triển mạnh nhất của thai kỳ. Nhờ đó mà những cử động của bé cũng mạnh hơn.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao khi mang thai 20 tuần tuổi?
Thai nhi ngày càng lớn hơn đồng nghĩa với việc mẹ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Vào thời gian này, mẹ sẽ không còn mặc vừa những bộ quần áo yêu thích nữa. Ngực và bụng mẹ đã lớn hơn rất nhiều, vì thế mẹ cần chọn lựa quần áo rộng rãi dành riêng cho bà bầu.
Có thể liệt kê một số thay đổi thường gặp trong cuộc sống của mẹ bầu khi mang thai 20 tuần như:
- Mẹ bầu không còn bị ốm nghén
Tình trạng ốm nghén thường chấm dứt ở những tuần cuối cùng của tam cá nguyệt thứ nhất. Tuy nhiên, ở một số mẹ bầu phải đến tuần thứ 20 của thai kỳ mới có thể tạm biệt những cơn buồn nôn do ốm nghén. Đây là lúc mẹ bầu tận hưởng cảm giác thư giãn, thoải mái nhất trong thai kỳ, khi mà em bé còn chưa phát triển quá to.
- Tình trạng táo bón thai kỳ dễ và thường xuyên xảy ra hơn
Bước sang tuần thứ 20, thai nhi phát triển lớn hơn khiến cho các bộ phận trong cơ thể mẹ cũng bị lệch vị trí. Cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất là đường ruột. Tử cung lớn hơn gây lực ép đến đường ruột, khiến mẹ thường xuyên bị táo bón và khó tiêu.
- Mẹ bầu bị đau lưng nhiều hơn
Dây chằng chịu trách nhiệm giữ cho dạ con ở đúng vị trí. Đa phần phụ nữ đều gặp tình trạng đau dây chằng vùng khung chậu. Tình trạng căng dây chằng do phải hoạt động liên tục sẽ khiến mẹ bị đau lưng và đau bụng.
- Việc đi lại bắt đầu trở nên nặng nề hơn
Trọng tâm cơ thể mẹ dần bị nghiêng hướng về phía trước do sự lớn dần của thai nhi. Vì vậy, vận động và di chuyển của mẹ sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với thời gian trước đó.
Thai 20 tuần tuổi đã có thể xác định giới tính hay chưa?
Ở tuần thứ 20, bé gần như đã hoàn chỉnh các cơ quan sinh dục. Vì vậy, bố mẹ có thể biết được giới tính của bé thông qua hình ảnh thai nhi 20 tuần quan sát qua màn hình máy siêu âm.
Ở tuần thứ 20 của thai kỳ, cơ mặt của bé cũng hoạt động biến đổi liên tục. Bạn có thể bắt gặp hình ảnh bé đang cười, đang mút tay hay đang đạp đạp chiếc chân nhỏ xinh vào thành bụng mẹ… Bố mẹ có thể ghi lại video thai nhi 20 tuần tuổi để lưu giữ những khoảnh khắc đáng yêu của bé ngay từ khi trong bụng mẹ nhé!
Thai 20 tuần nên ăn gì để tốt cho thai nhi?
Trong tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu cần lượng dinh dưỡng nhiều và đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và mạnh của bé. Vì vậy, một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý với đầy đủ dưỡng chất là điều hết sức cần thiết.
Mẹ bầu nên bổ sung các nhóm thực phẩm giàu canxi, sắt, vitamin A, B1, B2, DHA, Choline, Acid folic,… Giai đoạn này của thai kỳ, mẹ bầu cũng không cần phải kiêng ăn quá nhiều loại thực phẩm như trong tam cá nguyệt thứ nhất nữa. Vì thế, hãy cố gắng xây dựng cho mình những thực đơn dinh dưỡng với đa dạng các loại thực phẩm để tránh gây cảm giác chán ăn.
Dưới đây là một vài gợi ý về các loại thực phẩm tốt cho mẹ bầu và thai nhi 20 tuần tuổi.
- -Cá thu, cá hồi, cá trích, các loại cá béo rất giàu dưỡng chất omega 3, tốt cho sự phát triển trí não của bé. Mẹ bầu nên bổ sung ít nhất 1 lần/tuần để cung cấp nền tảng tốt nhất giúp bé thông minh ngay từ khi trong bụng mẹ.
- Thịt, trứng, cá, sữa rất giàu protein. Vì thế, hãy chọn chúng làm thực phẩm bổ sung vào các thực đơn chính trong ngày vừa cung cấp lượng protein dồi dào, vừa bổ sung hàm lượng sắt cao, tốt cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
- Ngũ cốc nguyên cám như: bánh mì, cơm, khoai lang, khoai tây… là nguồn cung cấp tinh bột, tăng cường năng lượng cho mẹ bầu.
- Các loại sữa không béo hoặc chế phẩm từ sữa như phomai là loại thực phẩm mẹ bầu nên ăn để bổ sung thêm nguồn dưỡng chất canxi cho cơ thể.
Mẹ bầu mang thai 20 tuần tuổi cần lưu ý gì?
Cung cấp dưỡng chất đủ cho sự phát triển của thai nhi ở tuần 20 là điều cần thiết. Tuy nhiên, mẹ bầu đừng quên việc cần kiểm soát cân nặng của mình. Tăng cân quá nhiều hoặc quá ít đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của bé.
Giai đoạn này của thai kỳ, dù đã không còn mệt mỏi hay buồn nôn do ốm nghén nhưng cơ thể mẹ bầu vẫn cần được nghỉ ngơi hợp lý. Mẹ bầu có thể kết hợp những bài vận động nhẹ nhàng để nâng cao đề kháng và quá trình trao đổi chất của cơ thể. Vận động không chỉ tốt cho sức khỏe của mẹ mà cũng giúp con yêu khỏe mạnh hơn nhiều đấy.
Ngoài ra, mẹ bầu cần lưu ý việc thực hiện khám thai định kỳ theo chỉ dẫn và lời khuyên từ các bác sĩ chuyên khoa. Thai phụ tuyệt đối không nên sử dụng các thực phẩm và đồ uống có hại như: rượu, bia, thuốc lá, ma túy,…
Nắm rõ sự phát triển thai nhi tuần 20 là rất quan trọng để mẹ có kế hoạch dinh dưỡng, vận động phù hợp. Hy vọng với những thông tin trên, mẹ đã trang bị cho mình những kiến thức bổ ích để có một thai kỳ khỏe mạnh nhất nhé!