Trong tuần thứ 3, thai nhi đã hình thành tim và hệ thống ống thần kinh sơ khai. Bước sang tuần thứ 4, thai nhi tiếp tục phát triển và hình thành các bộ phận khác của cơ thể. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn về sự phát triển thai nhi tuần 4 để có một kế hoạch chăm sóc sức khỏe tốt nhất ở giai đoạn này của thai kỳ mẹ bầu nhé!
Sự phát triển của thai nhi ở tuần 4
Tuần thứ 4, phôi thai đã làm tổ chắc chắn trong tử cung của người mẹ và bắt đầu thời kỳ phát triển rất mạnh mẽ. Sự phân chia tế bào diễn ra không ngừng nghỉ, hình thành nên các cơ quan của cơ thể.
Lúc này, bé chỉ có kích thước bằng hạt mè, khoảng 2mm và chưa có hình dạng nhất định. Sự phát triển thai nhi tuần 4 nổi bật với sự hình thành của 3 lớp tế bào:
- Lớp ngoại bì giúp hình thành nên hệ thần kinh, tóc, da, men răng, mồ hôi, tuyến vú và móng chân, tay cho thai nhi.
- Lớp trung bì là cơ sở hình thành nên các bộ phận và cơ quan như tim, cơ quan sinh dục, xương, thận và cơ bắp.
- Lớp nội bì tập trung phát triển các cơ quan nội tạng quan trọng trong hệ tiêu hóa, gan và phổi.
Trong suốt thời kỳ mang thai, bé sẽ lớn lên nhờ chất dinh dưỡng và oxy từ mẹ được cung cấp qua nhau thai và dây rốn. Tại tuần thứ 4, màng ối và noãn hoàng cũng rất phát triển. Hai bộ phận này sẽ tạo dựng môi trường phát triển hoàn hảo cho bé đến khi bé chào đời.
Tuần thứ 4 của thai kỳ là thời kỳ khá quan trọng và nhạy cảm. Nếu mẹ hoạt động mạnh sẽ rất dễ gây ra tình trạng động thai và sảy thai. Vì vậy, mẹ bầu cần phải cẩn thận và thật chú ý đến sức khỏe của mình cũng như của bé.
Có thai 4 tuần có biểu hiện gì?
Tại tuần thứ 4, mẹ bầu sẽ có rất nhiều thay đổi về thể trạng cũng như cảm xúc. Nguyên nhân của sự thay đổi này đến từ việc thay đổi hormon trong cơ thể người phụ nữ khi mang thai.
- Sự thay đổi về thể trạng cơ thể ở mẹ bầu
Khi mang thai, cơ thể mẹ sẽ tiết ra một loại hormon thai kỳ giúp duy trì lớp niêm mạc tử cung và ngăn trứng rụng mỗi tháng. Vì vậy, mẹ bầu sẽ dừng chu kỳ kinh nguyệt. Trong suốt tuần này, mẹ cũng có thể ra máu một chút do hiện tượng cấy thai. Rất nhiều phụ nữ đã nhầm lẫn dấu hiệu này với kinh nguyệt.
Mẹ bầu sẽ trải qua những dấu hiệu tương tự như 3 tuần đầu: căng tức vùng ngực, buồn nôn, nhạy cảm với các loại mùi, chán ăn, mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên, nhiệt độ cao,… Đây đều là những dấu hiệu rất bình thường khi trong cơ thể mẹ xuất hiện một sinh linh mới. Vì vậy mẹ không nên quá lo lắng nhé.
Để chắc chắn mình có mang thai hay không, mẹ bầu có thể dùng que thử thai. Đến tuần thứ 4 thì que thử đã có thể cho kết quả khá chính xác.
- Sự thay đổi về cảm xúc khi mang thai 4 tuần
Sự phát triển thai nhi tuần thứ 4 cũng sẽ khiến mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều so với thời gian đầu mang thai. Tình trạng cảm xúc thất thường diễn ra thường xuyên.
Phụ nữ mang thai rất mau nước mắt, dễ xúc động nhưng cũng rất dễ nổi nóng, lo lắng, bồn chồn và hồi hộp. Trong thời gian này, mẹ bầu cần được quan tâm và chăm sóc chu đáo bởi gia đình để có thể ổn định cả về cảm xúc và sức khỏe.
Giải đáp băn khoăn thường gặp ở tuần thứ 4 của thai kỳ
Để giúp mẹ bầu có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe thai kỳ, chúng tôi sẽ giải đáp một số câu hỏi thường gặp ở những phụ nữ mang thai ở tuần thứ 4 sau đây.
- Siêu âm thai 4 tuần tuổi có được không?
Khi biết mình mới có thai, hầu hết mẹ bầu rất nôn nóng được nhìn thấy con, vì vậy đều háo hức đi siêu âm. Tuy nhiên, lúc này kích thước túi ối thai 4 tuần chỉ khoảng 3 – 5mm và trọng lượng thai nhi chưa đến 1g.
Việc siêu âm ở tuần thai kỳ này chủ yếu là để xác định thai nhi 4 tuần tuổi đã vào tử cung chưa hay thai 4 tuần đã có tim thai chưa. Kết quả thấy hình ảnh thai trong nằm trong tử cung và có tim thai sẽ giúp mẹ bầu yên tâm hơn về sự phát triển của thai nhi.
- Khi nào mẹ nên khám thai lần đầu?
Các bác sĩ chuyên môn cho rằng, nếu phụ nữ bị trễ kinh khoảng 2 tuần thì nên đi khám thai ngay. Mẹ sẽ được thực hiện một số xét nghiệm liên quan để khẳng định có thực sự mang thai hay không. Các xét nghiệm tại tuần thai thứ 4 sẽ cho kết quả rất chắc chắn.
- Mang thai 4 tuần tuổi ốm nghén phải làm sao?
Tùy thể trạng từng người mà tình trạng ốm nghén có thể nặng hoặc nhẹ. Nhiều phụ nữ ốm nghén nặng, nôn nhiều và không ăn uống được, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Trong trường hợp này, mẹ cần đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể chia nhỏ bữa ăn, uống sữa và sử dụng ngũ cốc để giảm bớt tình trạng ốm nghén.
Tuần thứ 4 đánh dấu bước phát triển rất quan trọng của các bé. Vì vậy mầu cần đặc biệt chú ý đến sự phát triển thai nhi tuần 4. Một thực đơn dinh dưỡng và chế độ chăm sóc sức khỏe lành mạnh là điều mẹ bầu cần xây dựng luôn từ lúc này. Chúc mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh!