Các khái niệm
Khi thực phẩm được đóng gói trong túi, hộp, chai, lon và giấy gói, người tiêu dùng không thể phát hiện chất lượng và số lượng thực phẩm thông qua các giác quan như thị giác, khứu giác, vị giác… Điều này có nghĩa là nhà sản xuất có thông tin về sản phẩm những người tiêu dùng không được biết đến, điều này được gọi là “thông tin bất cân xứng” giữa người bán và người mua. Thông tin bất cân xứng này phải được sửa chữa để đảm bảo rằng người tiêu dùng cần biết rõ thông tin về sản phẩm trước khi họ quyết định mua. Trong thế kỷ 21, trên thị trường có nhiều thực phẩm mới với một số lượng lớn tại các của hàng, điều này dẫn đến nhu cầu lớn hơn để xây dựng niềm tin vào tính chính trực của các sản phẩm thực phẩm. Niềm tin của khách hàng vào sản phẩm đóng gói thường bắt đầu bằng những thông tin trên nhãn mác.
Các nhãn mác giúp người tiêu dùng có thông tin về những điều cần tránh và giải thích việc sử dụng sản phẩm đúng cách để bảo vệ sức khỏe, cũng như cảnh báo cho người tiêu dùng về những rủi ro tiềm ẩn của sản phẩm thực phẩm và để đảm bảo rằng người tiêu dùng hiểu cách lưu trữ, chế biến sản phẩm một cách an toàn. Ngày càng nhiều, nhãn thực phẩm thông tin cho người tiêu dùng về lợi ích của việc tiêu thụ thực phẩm bổ dưỡng và góp phần vào cải thiện chế độ ăn uống hợp lý và lành mạnh. Như vậy, nhãn thực phẩm cung cấp thông tin về thực phẩm, giúp người tiêu dùng đưa ra lựa chọn sáng suốt và giúp bảo quản và sử dụng thực phẩm một cách an toàn. Nhãn thực phẩm thông báo cho người tiêu dùng về thành phần và bản chất của sản phẩm để tránh nhầm lẫn và bảo vệ người tiêu dùng đỡ bị sử dụng sai, rủi ro và lạm dụng.
Nhãn thực phẩm chứa thông tin được cung cấp bởi các doanh nghiệp về sản phẩm. Nó gồm tất cả thực phẩm được bán trực tiếp cho người tiêu dùng cũng như thực phẩm được bán gián tiếp cho khách hàng qua các quán cà phê, nhà hàng và các cơ sở phục vụ khác. Nó được kiểm soát bởi pháp luật nên chính xác, không gây hiểu lầm và an toàn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ghi nhãn thực phẩm bao gồm bất kỳ vấn đề bằng văn bản, in hoặc đồ họa nào có trên nhãn, đi kèm với thực phẩm hoặc được hiển thị gần thực phẩm. Theo Codex Alimentarius, ghi nhãn thực phẩm có hiệu quả khi nó cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về một loại thực phẩm để giúp họ lựa chọn thực phẩm lành mạnh. Một số thông tin bắt buộc phải ghi trên nhãn thực phẩm như tên và địa chỉ và tuyên bố thành phần của công ty chịu trách nhiệm… Tuy nhiên, cũng có một số thông tin không bắt buộc ghi trên nhãn thực phẩm mà khuyến khích các công ty tự nguyện công bố như yêu cầu sức khỏe và yêu cầu về hàm lượng dinh dưỡng.
Mục đích
Ghi nhãn thực phẩm được coi là một cách tiếp cận dựa trên cộng đồng, có khả năng ảnh hưởng tích cực đến chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng, do đó góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng. Mặc dù người tiêu dùng thu thập thông tin về thực phẩm từ nhiều nguồn khác nhau: từ gia đình, giáo dục và truyền thông, nhưng nhãn thực phẩm và dinh dưỡng cung cấp cho người tiêu dùng thông tin cần thiết ngay tại điểm mua hàng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: có một mối liên quan tốt giữa việc sử dụng nhãn dinh dưỡng và chế độ ăn lành mạnh. Những người sử dụng nhãn thực phẩm có khả năng lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn, giảm tiêu thụ chất béo, natri, cholesterol và năng lượng,đồng thời tăng tiêu thụ chất xơ, sắt và vitamin C.
Mục đích của ghi nhãn thực phẩm là cung cấp cho người tiêu dùng thông tin thực tế có liên quan tới sản phẩm tiêu thụ. Nhãn thực phẩm cho phép người tiêu dùng: so sánh sản phẩm này với sản phẩm khác, đưa ra hướng dẫn xử lý và bảo quản an toàn, liệt kê các thành phần giúp lựa chọn thực phẩm có thành phần mong muốn hoặc cần tránh và xác định cơ sở chịu trách nhiệm về sản phẩm trong trường hợp sản phẩm hỏng hoặc bị lỗi. Do đó, ghi nhãn thực phẩm cũng cung cấp cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cơ hội giáo dục khách hàng về dinh dưỡng và cách sử dụng thông tin trên nhãn thực phẩm để đưa ra lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn.
Nhãn thực phẩm trên sản phẩm đóng gói sẵn được sử dụng rộng rãi như một cách giáo dục để cung cấp cho người tiêu dùng thông tin dinh dưỡng về các sản phẩm cụ thể. Nhãn thực phẩm cho phép người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm phù hợp với sức khỏe, cho phép người tiêu được giáo dục dinh dưỡng để tiếp cận thực phẩm lành mạnh hơn. Thêm nữa, nhãn thực phẩm cũng được sử dụng như một cách tiếp thị cho ngành công nghiệp thực phẩm về mặt cải cách sản phẩm và mở rộng thị trường của các sản phẩm thực phẩm đóng gói sẵn. Chú ý rằng: có thể sử dụng nhãn thực phẩm không chỉ giúp hạn chế những chất dinh dưỡng muốn cắt giảm mà còn để tăng những chất dinh dưỡng cần tiêu thụ với số lượng lớn hơn.
Giới thiệu về nhãn thực phẩm
Nhãn thực phẩm phải được làm bằng vật liệu không làm ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Một nhãn thực phẩm thường có ít nhất hai khu vực riêng biệt: Vùng hiển thị chính (PDP) và Vùng thông tin (IP).
- Vùng hiển thị chính là một phần của nhãn mà người tiêu dùng nhìn thấy đầu tiên khi chọn sản phẩm thực phẩm. Trong hầu hết các trường hợp, vùng hiển thị chính là mặt trước của gói sản phẩm có thể được nhìn thấy trên các kệ hàng. Bao gồm: Tên sản phẩm, số lượng, nội dung cần chú ý như cần phải bảo quản lạnh (nếu có)…
- Vùng thông tin thường ở bên phải của vùng hiển thị chính (ở bên trái, phía sau, trên cùng hoặc dưới cùng nếu không có đủ không gian). Bao gồm: Thành phần dinh dưỡng, tên và địa chỉ của công ty chịu trách nhiệm…
Một số thuật ngữ và quy định (Thông tin bắt buộc phải có trên nhãn mác)
- Tên của thực phẩm
2. Danh mục các thành phần
3. Định lượng của các thành phần
4. Khối lượng tịch
5. Hướng dẫn sử dụng (nếu cần)
6. Hạn sử dụng (tốt nhất trước ngày ….)
7. Điều kiện bảo quản và/ hoặc cách sử dụng
8. Tên doanh nghiệp và địa chỉ của nhà kinh doanh thực phẩm
9. Xuất xứ
10. Chất gây dị ứng thực phẩm
11. Thông tin dinh dưỡng - Độ cồn (đối với đồ uống có hơn 1,2% độ cồn)
Theo Hướng dẫn CODEX về ghi nhãn thực phẩm (CAC/GL 2-1985), việc công bố thành phần dinh dưỡng là bắt buộc đối với tất cả các thực phẩm đóng gói sẵn. Hai định dạng tồn tại cho ghi nhãn dinh dưỡng, đó là định dạng truyền thống và định dạng đồ họa. Nhãn dinh dưỡng sử dụng định dạng truyền thống thường được đặt ở mặt sau của gói thực phẩm, trong khi bảng định dạng đồ họa sử dụng định dạng đơn giản và được đặt ở mặt trước của gói thực phẩm.
Các thông tin chính trong nhãn mác thực phẩm
Nhãn thực phẩm giúp xác định tổng năng lượng và các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Các chất dinh dưỡng chủ yếu là chất béo, đường, protein, các vitamin và khoáng chất, giúp lựa chọn một chế độ ăn hợp lý và tốt cho sức khỏe. Các thành phần dinh dưỡng chính thường được liệt kê trong nhãn mắc các sản phẩm thực phẩm là: Chất béo, chất béo tổng số, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol, lượng Natri, lượng tinh bột/carbohydrat tổng số, chất xơ, đường, protein, vitamin và khoáng chất.
Khi nhìn vào nhãn thực phẩm, nên chú ý những thông tin trong các mục từ 1 đến và mục 6, vì nó có thể thay đổi theo từng sản phẩm; vì nó cung cấp thông tin cụ thể về sản phẩm (khối lượng, số lượng khẩu phần ăn, lượng calo và thông tin dinh dưỡng). Riêng mục 5 trên nhãn thực phẩm là các thông tin được khuyến nghị với giá trị hàng ngày (Daily Value)(DV) cho một chế độ ăn cung cấp 2.000 hay 2.500 Kcalo. Các ghi chú về thực phẩm cung cấp thông tin chế độ ăn uống được khuyến nghị cho các chất dinh dưỡng quan trọng, bao gồm chất béo, natri và chất xơ. Lưu ý: đôi khi chú thích này chỉ được tìm thấy ở các gói, hộp chứa từ 2 khẩu phần ăn trở lên.
Trong nhãn thực phẩm sau đây, các mục từ 1 đến 6 đã tô màu khác nhau để giúp dễ nhận dạng và sẽ không thấy những mục hay màu này trên nhãn thực phẩm ở các sản phẩm thực tế.
Nội dung các mục trong nhãn thực phẩm
Nội dung mục 1 trong nhãn thực phẩm mẫu: Kính cỡ/đơn vị khẩu phần ăn
Khẩu phần là một phần quan trọng của một chế độ ăn, khẩu phần quá lớn có nguy cơ gây tăng cân do tiêu thụ nhiều năng lượng hơn. Kích cỡ khẩu phần ăn trên gói thực phẩm ảnh hưởng đến số lượng calo và tất cả lượng chất dinh dưỡng được liệt kê ở phần trên cùng của nhãn. Hãy chú ý đến kích cỡ, để biết có bao nhiêu khẩu phần ăn trong gói/hộp thực phẩm, ví dụ: một khẩu phần ăn phomai trong 1 gói/hộp lại có 2 khẩu phần ăn. Cần chú ý so sánh khẩu phần ghi trên bao bì và lượng thực phẩm tiêu thụ, ví dụ: Nếu ăn 2 khẩu phần thì năng lượng và các chất dinh dưỡng sẽ tăng gấp đôi. Nếu ăn 3 khẩu phần thì năng lượng và các chất dinh dưỡng sẽ tăng gấp 3 lần. Ăn nhiều chất dinh dưỡng có cả điều tốt và không tốt cho sức khỏe.
Kích cỡ và số lượng khẩu phần ăn là vị trí và thông tin đầu tiên xuất hiện trên nhãn mác thực phẩm. Kích cỡ khẩu phần được tiêu chuẩn hóa để dễ dàng so sánh các loại thực phẩm tương tự; được cung cấp trong các đơn vị quen thuộc, như cốc hoặc miếng, theo sau là đơn vị tính, ví dụ: số gam, ml…
Liều hàng ngày (% Daily Value)(DV): được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ tạo ra để ghi trên nhãn thực phẩm và thực phẩm bổ sung và được đưa vào áp dụng vào năm 1994. Liều hàng ngày gồm 2 nhóm: Liều khuyến cáo hàng ngày (Daily Reference Values)(DRV) dành cho các chất dinh dưỡng trước đây chưa có liều tiêu chuẩn như chất béo và cholesterol. Khẩu phần ăn hàng ngày tham khảo (Reference Daily Intakes) (RDI), còn thay thế cho thuật ngữ nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (Recommended Daily Allowances)(RDA) dành để ghi thông tin về vitamin, khoáng chất và protein.
Nhu cầu được tính dựa trên nhu cầu về năng lượng hàng ngày từ thức ăn là 2000 kcalo. Giá trị liều dinh dưỡng hàng ngày được tính toán dựa trên chế độ ăn có 2000 Kcal mỗi ngày. Ví dụ, liều hàng ngày là 75% nghĩa là một khẩu phần cung cấp 75% tổng liều hàng ngày của chất dinh dưỡng đó đó. Nếu giá trị liều hàng ngày cao hơn 100%, cho thấy liều này đem lại lợi ích vượt quá liều hàng ngày. Một khẩu phần thực phẩm được coi là thấp nếu chứa 5% hay ít hơn giá trị liều hàng ngày. Một khẩu phần thực phẩm được coi là cao nếu chứa 20% trở lên giá trị liều hàng ngày. Tuy nhiên nhu cầu các chất dinh dưỡng còn phụ thuộc vào mức độ hoạt động thể lực của mỗi cá thể.
Ví dụ về khẩu phần ăn
Lưu ý: các thông tin dinh dưỡng trên nhãn mác thực phẩm là giá trị dinh dưỡng của sản phẩm cho 1 đơn vị khẩu phần/kích cỡ khẩu phần
Nội dung mục 2 trong Nhãn thực phẩm mẫu: Năng lượng & năng lượng từ chất béo
Một người bình thường hàng ngày cần tiêu thụ một lượng nhất định các chất dinh dưỡng như: chất béo, carbohydrat, protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là thành phần không tốt cho sức khỏe và chỉ nên ăn một lượng rất nhỏ.
Lượng protein của cơ thể mỗi người cần khác nhau như tùy vào độ tuổi, mức độ hoạt động, vóc dáng, cũng như mục đích của mỗi người như giảm cân, tăng cơ,… Người không hoạt động nhiều cần 46 g protein mỗi ngày, tương đương với 0,8 g protein/1kg trọng lượng cơ thể. Nguồn protein tốt nhất cho cơ thể là từ thịt, cá, trứng, sữa, đặc biệt là các loại đậu, hạt. Nếu có nhu cầu tăng cơ sau khi hoàn thành chế độ ăn giảm cân thì phải bổ sung đạm thêm từ thực phẩm bổ sung protein.
Năng lượng ăn vào là thước đo lượng năng lượng nhận được từ một khẩu phần thực phẩm. Nhiều người tiêu thụ nhiều năng lượng hơn mức cần thiết, nhưng vẫn không đáp ứng lượng tiêu thụ khuyến nghị cho một số chất dinh dưỡng. Phần năng lượng của nhãn thực phẩm có thể giúp quản lý cân nặng (tăng, giảm hoặc duy trì.)
Nhãn thực phẩm cũng hiển thị tổng lượng calo từ chất béo, trong nhãn thực phẩm mẫu có 250 Kcal, trong đó có 110 kcal từ chất béo, có nghĩa là gần một nửa lượng calo trong một khẩu phần đến từ chất béo. Nếu ăn hết cả gói/hộp này (ăn hai khẩu phần), cơ thể đã nạp vào tương đương 500 Kcalo và trong đó có 220 Kcal đến từ chất béo. Quy định chung về năng lượng trong 1 khẩu phẩn ăn.
Đây là hướng dẫn chung về năng lượng dựa trên chế độ ăn 2.000 Kcalo. Nếu ăn quá nhiều calo mỗi ngày thì có nguy cơ mắc thừa cân và béo phì. Vì vậy, nên biết 1 đơn vị khẩu phần ăn đó là năng lượng thấp, vừa hay cao để quyết định số lượng nên ăn.
Mục 3 trong Nhãn thực phẩm mẫu: Các chất dinh dưỡng cần hạn chế
Nhìn vào phần trên của phần dinh dưỡng trong nhãn mẫu, cho thấy một số chất dinh dưỡng chính ảnh hưởng đến sức khỏe, các chất dinh dưỡng cần hạn chế là: chất béo tổng số, chất béo bão hòa, Cholesterol và Natri với số lượng từng chất dinh dưỡng đó đã đáp ứng % giá trị liều hàng ngày.
Các chất dinh dưỡng được liệt kê trên, là những chất dinh dưỡng thường được tiêu thụ với số lượng đủ, hoặc thậm chí là quá nhiều. Để hạn chế các chất dinh dưỡng này người ta thường đánh dấu bằng màu vàng để dễ nhận biết.
Chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim và cholesterol máu cao. Trung bình, một người trưởng thành không nên ăn nhiều hơn 20 gram chất béo bão hòa mỗi ngày. Chất béo chuyển hóa cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Lý tưởng nhất là hoàn toàn không tiêu thụ chất béo chuyển hóa. Tiêu thụ quá nhiều chất béo, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol hoặc natri có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính, như bệnh tim mạch, một số bệnh ung thư hoặc tăng huyết áp…Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ăn lượng chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol càng ít càng tốt để đạt được một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng.
Nhóm thành phần cần hạn chế:
Mục 4 trong Nhãn thực phẩm mẫu: Các chất dinh dưỡng cần nhận đủ
Nhìn vào phần trên của phần dinh dưỡng trong nhãn mẫu cho thấy một số chất dinh dưỡng chính ảnh hưởng đến sức khỏe, đó là: Chất xơ, Vitamin A, Vitamin C, Canxi và Sắt, với số lượng từng chất dinh dưỡng đó đã đáp ứng % giá trị liều hàng ngày.
Hầu hết mọi người không có đủ chất xơ, vitamin A, vitamin C, canxi và sắt trong chế độ ăn hàng ngày. Để biết đã ăn đủ các chất dinh dưỡng này ở mức độ nào, người ta thường đánh dấu bằng màu xanh lam để dễ nhận biết. Ăn đủ các chất dinh dưỡng này có thể cải thiện sức khỏe của và giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh. Ví dụ, ăn đủ lượng canxi có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương, giảm nguy cơ giòn xương, gãy xương…
Chất xơ giúp cho hệ tiêu hóa trở lên khỏe mạnh và gây cảm giác no giữa các bữa ăn. Chất xơ giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch. Một thực phẩm được coi là giàu chất xơ nếu chứa từ 5 gram chất xơ trở lên trong mỗi đơn vị khẩu phần và mỗi ngày mỗi người bình thường nên tiêu thụ từ 25-35 gram. Nam giới dưới 50 tuổi cần tiêu thụ tối thiểu 38 gram chất xơ mỗi ngày, phụ nữ dưới 50 tuổi nên tiêu thụ tối thiểu 25 gram chất xơ mỗi ngày. Chất xơ có nhiều trong các loại trái cây, rau và ngũ cốc nguyên cám. Chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả và các sản phẩm ngũ cốc có chứa chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan và ít chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Mục 5 trong Nhãn thực phẩm mẫu: Chú thích thành phần dinh dưỡng
Phần chú thích dưới cùng (Foootnote) của nhãn thực phẩm, chỉ ra các giá trị cho chế độ ăn 2000 và 2500 calo cần phải được công bố trên nhãn thực phẩm.
Lưu ý: % giá trị liều hàng ngày (DV) trên nhãn thực phẩm cho biết “% giá trị liều hàng ngày được dựa trên chế độ ăn 2.000 calo”. Công bố này phải được ghi trên tất cả các nhãn thực phẩm. Nếu kích thước của nhãn quá nhỏ, thông tin còn lại không được chú thích đầy đủ, có thể không có trên bao bì. Các chú thích này luôn phải giống nhau khi có đủ chỗ để ghi thông tin. Các chú thích này không thay đổi từ sản phẩm này sang sản phẩm khác, bởi vì đây là lời khuyên về chế độ ăn uống được khuyến nghị cho tất cả mọi người, chứ không phải là về một sản phẩm thực phẩm cụ thể.
Nhìn vào số lượng được khoanh tròn màu đỏ trong phần chú thích, đây là các Giá trị liều hàng ngày cho mỗi chất dinh dưỡng được liệt kê và dựa trên lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng. Giá trị liều hàng ngày là mức khuyến cáo cho lượng ăn vào, trong phần chú thích dựa trên chế độ ăn 2.000 hoặc 2.500 calo. Lưu ý: Giá trị liều hàng ngày cho một số chất dinh dưỡng có thay thay đổi tùy thuộc vào lượng calo ăn vào, tuy nhiên, một số chất (như cholesterol và natri) không thay đổi dù mức calo có khác nhau.
Giá trị liều hàng ngày (DV) liên quan đến % giá trị liều hàng ngày(%DV)
Nhìn vào ví dụ dưới đây để biết một cách khác xem giá trị liều hàng ngày liên quan đến % giá trị liều hàng ngày và hướng dẫn chế độ ăn.
Ví dụ về Giá trị liều hàng ngày (DV) so với % giá trị liều hàng ngày(%DV): Dựa trên chế độ ăn cung cấp 2.000 calo
Giới hạn trên – Nên ăn “Ít hơn”: Các chất dinh dưỡng có “giới hạn hàng ngày trên” được liệt kê đầu tiên trên chú thích của các gói/hộp và như ví dụ ở trên. Giới hạn trên có nghĩa là nên ở dưới – ăn “ít hơn” – lượng chất dinh dưỡng có giá trị hàng ngày được liệt kê mỗi ngày. Ví dụ, giá trị hàng ngày cho chất béo bão hòa là 20 g (phần màu vàng), tương đương 100 % DV cho chất dinh dưỡng này. Mục tiêu hoặc lời khuyên về chế độ ăn uống là ăn “dưới” 20 g hoặc dưới 100 % DV trong ngày.
Giới hạn dưới – Nên ăn “Tối thiểu”:
Nhìn vào phần màu trắng nơi chất xơ được liệt kê. Giá trị hàng ngày cho chất xơ là 25 g, tương đương 100% DV, có nghĩa là bạn nên ăn “ít nhất” 25 g chất xơ này mỗi ngày.
Giá trị hàng ngày cho tổng lượng carbohydrat (phần màu trắng) là 300 g hoặc 100% DV. Lượng này được khuyến nghị cho một chế độ ăn uống cân bằng hàng ngày dựa trên 2.000 calo, nhưng có thể thay đổi, tùy thuộc vào lượng chất béo và protein hàng ngày.
Mục 6 trong Nhãn thực phẩm mẫu: Hướng dẫn nhanh về % giá trị hàng ngày (% DV)
% Giá trị hàng ngày (% DV) dựa trên các khuyến nghị giá trị hàng ngày cho các chất dinh dưỡng chính, nhưng chỉ cho chế độ ăn 2.000 calo hàng ngày, không phải là 2.500 calo. Theo quy định ghi nhãn: Chất dinh dưỡng nào chiếm 5 % DV trở xuống là thấp và 20 % DV trở lên là cao.
Theo hướng dẫn này cho biết rằng:
- 5% DV trở xuống là thấp đối với tất cả các chất dinh dưỡng, trong đó có những chất muốn hạn chế (ví dụ: chất béo, chất béo bão hòa, cholesterol và natri) hoặc cho những chất muốn tiêu thụ với số lượng lớn hơn (chất xơ, canxi , v.v.).
- 20% DV trở lên là cao đối với tất cả các chất dinh dưỡng.
Ví dụ: nhận định về tổng lượng chất béo trong một khẩu phần ăn được liệt kê trên nhãn thực phẩm mẫu. Kiểm tra Hướng dẫn nhanh về % DV cho thấy tổng lượng chất béo là 18 % DV, vẫn chưa cao và vẫn dưới 20 % DV. Nhưng nếu ăn cả gói/hộp (hai phần) thì làm tăng gấp đôi số chất béo, tương đương 36 % DV cho tổng lượng chất béo. Đây mới là lượng chất béo đến từ 1 loại thực phẩm, chỉ còn 64 % lượng chất béo (100% – 36% = 64%) cho tất cả các loại thực phẩm khác ăn vào ngày hôm đó, bao gồm đồ cả ăn nhẹ và đồ uống.
Cách sử dụng % DV
- Sử dụng để so sánh: % DV cũng giúp so sánh một sản phẩm hoặc nhãn hiệu với một sản phẩm tương tự, chỉ cần đảm bảo kích cơ thực phẩm tương tự nhau, đặc biệt là trọng lượng (ví dụ: gram, miligam) của mỗi sản phẩm.
- Sử dụng để công bố về nội dung dinh dưỡng: Sử dụng % DV giúp nhanh chóng phân biệt, nhận diện đặc tính của sản phẩm, chẳng hạn như “giảm béo” hoặc “không béo”. Chỉ cần so sánh % DV cho tổng lượng chất béo trong mỗi sản phẩm thực phẩm để xem loại nào cao hơn hoặc thấp hơn trong chất dinh dưỡng đó, không cần phải ghi nhớ các định nghĩa. Điều này giúp khi so sánh tất cả các công bố về hàm lượng chất dinh dưỡng, ví dụ: thấp, không chứa, cao, …
- Sử dụng để thay thế khẩu phần ăn: Có thể sử dụng% DV để giúp thực hiện thay đổi khẩu phần ăn này bằng các thực phẩm khác trong suốt cả ngày, không cần phải từ bỏ một loại thực phẩm yêu thích để ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Khi một loại thực phẩm ưa thích có nhiều chất béo, cân bằng nó với những thực phẩm ít chất béo vào những thời điểm khác trong ngày. Ngoài ra, hãy chú ý đến việc ăn với số lượng thích hợp để tổng lượng chất béo trong ngày vẫn dưới 100% DV.
Chất dinh dưỡng có % DV nhưng không có trọng lượng được liệt kê: Canxi
- DV cho canxi trên nhãn thực phẩm là 1.000 mg.
- Xem % DV cho can xi trên các gói thực phẩm để biết một phần ăn đóng góp vào tổng số nhu cầu cần mỗi ngày. Ghi nhớ rằng, một thực phẩm có 20 % DV trở lên được gọi là giàu can xi so với tổng số hàng ngày, trong khi một thực phẩm có chứa 5% DV trở xuống được coi là thấp can xi.
- Các chuyên gia khuyên người trưởng thành nên ăn đủ lượng canxi từ 800 đến 1.000 mg hoặc 100 % DV trong chế độ ăn 2.000 calo mỗi ngày. Lời khuyên này thường được đưa ra bằng miligam, nhưng nhãn thực phẩm chỉ liệt kê % DV cho canxi.
- Đối với một số độ tuổi nhất định, như thanh thiếu niên, đặc biệt là nữ giới, tiêu thụ 1.000 mg (100 % DV) và phụ nữ mang thai tiêu thụ 1.200 mg (120 % DV) canxi mỗi ngày.
- Luôn luôn kiểm tra nhãn cho canxi vì không thể đưa ra giả định về lượng canxi trong các loại thực phẩm cụ thể. Ví dụ: lượng canxi trong sữa, dù là tách kem hay toàn bộ, thường là như nhau trên mỗi khẩu phần, trong khi lượng canxi trong hộp sữa chua cùng kích cỡ (237 ml) có thể thay đổi từ 20 – 45 % DV.
Các chất dinh dưỡng không có % DV: Chất béo chuyển hóa, Protein và đường
Chất béo chuyển hóa, đường và protein không liệt kê giá trị liều hàng ngày (% DV) trên nhãn thực phẩm.
- Chất béo chuyển hóa: Các chuyên gia không thể cung cấp giá trị tham chiếu cho chất béo chuyển hóa cũng như bất kỳ thông tin nào khác đủ để thiết lập giá trị liều hàng ngày. Các báo cáo khoa học chỉ ra rằng có mối liên quan giữa chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa với việc tăng mức LDL- Cholesterol trong máu (“Cholesterol xấu”), cả hai chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên giữ lượng chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol càng thấp càng tốt như một phần của chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng.
- Protein: Cần phải liệt kê % DV nếu có nguy cơ sức khỏe do protein, chẳng hạn như “protein cao”. Mặt khác, liệt kê %DV protein là không cần thiết, trừ khi thực phẩm đó được sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi.
- Đường: Chưa có giá trị tham chiếu hàng ngày trên nhãn thực phẩm cho đường vì chưa có khuyến nghị được đưa ra cho tổng số đường cần ăn trong một ngày. Hãy nhớ rằng, các loại đường được liệt kê trên nhãn thực phẩm bao gồm các loại đường tự nhiên (như các loại trái cây và sữa) cũng như các loại được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống. Nếu quan tâm về lượng đường, hãy đảm bảo rằng đường bổ sung không được liệt kê là một trong một vài thành phần đầu tiên trong nhãn thực phẩm. Các tên gọi khác của đường được thêm vào bao gồm: xi-rô ngô, xi-rô ngô hàm lượng cao fructose, nước trái cây cô đặc, maltose, dextrose, sucrose, mật ong và xi-rô cây thích.
Để hạn chế các chất dinh dưỡng không có % DV, như chất béo chuyển hóa và đường, hãy so sánh nhãn của các sản phẩm tương tự và chọn thực phẩm với lượng thấp nhất.
Các lưu ý trong đọc nhãn mác thực phẩm
Các lưu ý về thành phần dinh dưỡng của sản phẩm thực phẩm
Kích cỡ khẩu phẩn thực phẩm
Một trong những điều cần biết trước tiên khi đọc thành phần dinh dưỡng trong nhãn thực phẩm là khẩu phần dinh dưỡng để biết được kích thước khẩu phần ăn và số lượng khẩu phần chứa trong một gói. Nhãn mác thể hiện thành phần dinh dưỡng ở mặt sau của thực phẩm cho thấy số calo và chất dinh dưỡng chứa trong gói thực phẩm.
Calo là đơn vị dùng để đánh giá mức độ năng lượng mà cơ thể có thể hấp thu được từ một khẩu phần thực phẩm giúp lựa chọn thực phẩm để kiểm soát cân nặng, và thông tin về chất dinh dưỡng giúp cân bằng chế độ dinh dưỡng. Tuy vậy, kích cỡ khẩu phần thường nhỏ hơn so với khẩu phần hàng ngày, do vậy cách ghi nhãn mác thực phẩm hiện nay thường làm người tiêu dùng tin rằng sản phẩm chứa ít năng lượng hơn.
Thành phần nguyên liệu
Thành phần nguyên liệu sản xuất thực phẩm thường được liệt kê theo số lượng từ cao nhất đến thấp nhất.
Các nguyên liệu liệt kê đầu tiên thường là nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất. Khi đọc nhãn thực phẩm, nên chú ý đến 3 nguyên liệu đầu tiên vì đây là những nguyên liệu chính được tiêu thụ khi sử dụng sản phẩm. Do vậy, nên chọn những sản phẩm mà thành phần nguyên liệu chỉ liệt kê 3 nguyên liệu đầu tiên, nếu có quá nhiều thành phấn nguyên liệu, có nghĩa là thực phẩm đó đã qua xử lí rất nhiều.
Phụ gia thực phẩm
Phụ gia thực phẩm là một chất bất kì được thêm vào trực tiếp hoặc gián tiếp trong một số giai đoạn chế biến, bảo quản hoặc đóng gói để có thể bảo quản được lâu hơn, sản phẩm bắt mắt hơn. Tuy nhiên các chất phụ gia thực phẩm phải được kiểm soát theo một giới hạn tối đa cho phép và phải được theo quy định.
Các loại chất điều vị
Chất điều vị là một loại chất phụ gia thực phẩm để làm tăng hương vị hiện có của thực phẩm. Chất điều vị có mã trong khoảng 600-699 trong đó 620-629 thuộc về glutamate và guanylate, 630-635 thuộc về inosinate, 636-650 là một số chất khác. Trong danh sách chất điều vị trên thì có 3 loại được sử dụng thường xuyên nhất là chất điều vị số 621, 627, 631. Chất điều vị 621 là bột ngọt (mì chính hay MSG) là muối natri của axit glutamic, dùng để kiến tạo nên protein cơ thể, cần thiết cho sự tăng trưởng, chuyển hóa thần kinh và chức năng của não bộ con người. Chất điều vị 627, 631 là siêu bột ngọt đặc biệt phổ biến trong hạt nêm (hoặc bột gia vị), tương đối phổ biến trong các loại nước chấm, các món ăn chế biến sẵn như mì ăn liền, các loại snack…hay dùng để ướp thịt cá trong quán ăn, nhà hàng.
Các chất bảo quản
Chất bảo quản là chất được thêm vào thực phẩm để ngăn ngừa, hạn chế hoặc làm chậm sự thối rữa hư hỏng do vi khuẩn gây ra đối với thực phẩm. Chất bảo quản có 2 loại là chất bảo quản tự nhiên và chất bảo quản tổng hợp.Các chất bảo quản tổng hợp phổ biến và kí hiệu trong thực phẩm là:
- Canxi sorbat hoặc kali sobrat: dùng trong magarin, phomai, mứt, nước quả với lượng dùng 1g/1kg sản phẩm.
- Acid Sobric (E200): dùng trong phomai, mứt, nước quả với lượng dùng 1g/1kg sản phẩm.
- Acid Benzoic (E210): dùng trong nước giả khát, rau quả muối chua với lượng dùng tối đa là 1g/1kg sản phẩm.
- Natri benzoat: dùng trong dưa chuột dầm, thủy sản đóng hộp, nước giải khát, rượu vang, nước sốt cà chua, mứt với lượng dùng 1g/1kg sản phẩm
- Natri sorbat: dùng trong mứt quả, sữa, bơ, pho mát, bánh kẹo, nước chấm…
- Kali nitrat: dùng trong thịt hộp, thịt muối, thủy sản, lạp xưởng, dăm bông.
- Kali bisunphit: dùng trong khoai tây rán, mứt cô dặc, quả ngâm đường, sản phẩm thịt, thủy sản
Lưu ý: Cách tốt nhất là nên sử dụng những loại thực phẩm tự nhiên để đảm bảo an toàn hoặc biết cách loại bỏ trong lựa chọn các loại phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng.
Sử dụng và đọc nhãn mác thực phẩm trong các bệnh liên quan tới dinh dưỡng
Trong bệnh tăng huyết áp: Các chất dinh dưỡng cần quan tâm: lượng Natri, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa (trans fat), năng lượng khẩu phần
Lượng Natri
- Một số loại thực phẩm không mặn có thể vẫn có hàm lượng natri cao, ví dụ: một số thực phẩm có hàm lượng natri cao (như dưa chua và nước tương) và có vị mặn, cũng có nhiều thực phẩm (như ngũ cốc và bánh ngọt) có chứa natri nhưng không có vị mặn.
- Đọc nhãn mác để biết có chứa bao nhiêu natri trước khi lựa chọn thực phẩm (5% DV hoặc ít hơn được coi là lượng natri thấp, 20% DV hoặc hơn được coi là lượng natri cao). Với người tang huyết áp, khi quyết định giữa hai loại thực phẩm, hãy so sánh lượng natri trong sản phẩm. Tìm loại ngũ cốc, bánh quy giòn, mì ống nước sốt, rau đóng hộp và các thực phẩm đóng gói khác có hàm lượng natri thấp hơn.
- Nhu cầu về natri khuyến nghị hàng ngày đối với người trưởng thành là 600 mg nhưng không nên vượt quá 2000 mg. Natri được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm. Nhưng thực phẩm chế biến sẵn chiếm phần lớn lượng muối và natri tiêu thụ. Thực phẩm chế biến có nhiều muối bao gồm các loại rau và súp đóng hộp thông thường, ngũ cốc ăn liền, mỳ ăn liền, khoai tây chiên và các món ăn phụ khác. Nguồn Natri được đưa qua nguồn thức ăn tự nhiên như thịt, sữa, nhuyễn thể…và các thực phẩm công nghiệp như bánh mì, bánh qui, thịt hộp, thức ăn nhẹ và các gia vị như muối, bột canh, nước mắm, nước tương (xì dầu, magi), mì chính… Do đó những thức ăn có nhiều thực phẩm chế biến sẵn ít rau củ quả tươi có nhiều natri.
- Khi đọc nhãn thực phẩm, có thể thấy nhiều loại thực phẩm có chứa natri, bao gồm baking soda, nước tương, bột ngọt (MSG), muối điều vị và một số thuốc kháng axit.
Vai trò của Kali
- Hàm lượng natri và kali đều ảnh hưởng đến huyết áp, ăn đủ kali mỗi ngày có thể giúp giảm huyết áp. Lựa chọn thực phẩm giàu kali, như chuối, củ cải đường, nước trái cây (cà rốt, cam, lựu), sữa chua (không béo và ít chất béo), khoai tây, khoai lang, cà chua và các sản phẩm từ cà chua…
- Bằng cách chú ý đến nhãn thực phẩm khi mua sắm, có thể giúp tiêu thụ ít natri hơn. Có thể tìm thấy số miligam natri trong một khẩu phần ăn. Phần trăm giá trị liều hàng ngày giúp so sánh các sản phẩm và cho biết thực phẩm có hàm lượng natri cao hoặc thấp. Chọn sản phẩm có giá thấp nhất về phần trăm giá trị liều natri hàng ngày.
Trong bệnh rối loạn mỡ máu: Các chất dinh dưỡng cần quan tâm: chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa (trans fat), năng lượng khẩu phần.
- Luôn luôn kiểm tra kích cỡ khẩu phần trước tiên và cân nhắc xem cần ăn bao nhiều cho đủ: Đọc kỹ để chọn loại thực phảm ít chất béo, ít chất béo bão hòa, ít cholesterol và Natri. Lựa chọn thực phẩm nhiều chất xơ.
- Cẩn thận với các sản phẩm không có chất béo: Mỗi gram chất béo có nhiều hơn gấp đôi lượng calo của carbohydrat hoặc protein. Không có chất béo vẫn có thể có carbohydrat. Thực phẩm không chất béo có thể có nhiều carbohydrat.
- Tổng lượng chất béo được liệt kê trên nhãn thực phẩm chưa nói nên điều gì: Mà là cần chọn chất béo lành mạnh, mặc dù vẫn có lượng calo cao, chất béo không bão hòa một nối đôi và không bão hòa nhiều nối đôi là lựa chọn tốt hơn, vì có thể giúp giảm cholesterol và bảo vệ trái tim. Hạn chế chất béo không lành mạnh như chất béo bão hòa và trans fat vì làm tăng cholesterol và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Trong bệnh Đái tháo đường
- Các chất dinh dưỡng cần quan tâm: lượng đường, chất xơ, chỉ số đường huyết, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, năng lượng khẩu phần
Lượng đường trong thực phẩm
- Thông thường đường được liệt kê trên bảng thành phần dinh dưỡng trên sản phẩm với tên phổ biến là “đường” hoặc “sugar”. Tuy nhiên, trong thực tế, đường còn xuất hiện với rất nhiều tên khác nhau khiến lầm lẫn rằng sản phẩm đó tuyệt đối không có một chút đường nào.
- Cơ bản có 2 loại đường: đường tự nhiên có sẵn trong các loại thực phẩm như rau củ quả và đường tinh luyện được dùng để thêm vào các loại thực phẩm. Tổ chức Y tế thế giới khuyên rằng chỉ 5% trong tổng số năng lượng đưa vào cơ thể mỗi ngày là từ đường tinh luyện, tương đương khoảng 25 g với nữ giới và 35 g với nam giới.
- Kiểm tra lượng đường tinh luyện trong phần tinh bột (Carbohydrat). Nếu có ít hơn 5 g đường trên mỗi 100 g sản phẩm, lượng đường trong sản phẩm thấp. Nếu có nhiều hơn 10 g đường trên mỗi 100 g sản phẩm, lượng đường trong sản phẩm rất cao.
- Chú ý đến các thành phần có lợi cho tim, như bột mì, đậu nành và yến mạch. Chất béo không bão hòa đơn như ô liu, dầu canola hoặc dầu đậu phộng giúp cải thiện sức khỏe của tim. Tránh các thành phần không lành mạnh, chất béo chuyển hóa.
- Nhớ rằng các thành phần dinh dưỡng được liệt kê theo thứ tự giảm dần theo trọng lượng. Thành phần chính (nặng nhất) được liệt kê đầu tiên, tiếp theo là các thành phần khác được sử dụng với số lượng giảm dần.
- Nhìn vào tổng lượng carbohydrat, chứ không chỉ lượng đường. Đánh giá số lượng (gram) của tổng carbohydrat, bao gồm đường, như đường bổ sung; carbohydrat phức tạp; và chất xơ chứ không chỉ là gram đường. Nếu tập trung vào hàm lượng đường, có thể bị bỏ qua các loại thực phẩm bổ dưỡng có lượng đường tự nhiên cao, như trái cây và sữa, và có thể lạm dụng thực phẩm không có đường tự nhiên hoặc thêm đường nhưng nhiều carbohydrat, như một số loại ngũ cốc.
- Đừng bỏ lỡ thực phẩm giàu chất xơ. Đặc biệt chú ý đến thực phẩm giàu chất xơ. Hãy tìm những thực phẩm có từ 3 gram chất xơ trở lên.
- Không đường không có nghĩa là không có carbohydrat. Thực phẩm không đường có thể đóng một vai trò trong chế độ ăn kiêng cho bệnh đái tháo đường, nhưng hãy nhớ rằng điều quan trọng không kém là xem xét cả carbohydrat. Một nhãn mác không đường có nghĩa là một khẩu phần có ít hơn 0,5 gram đường.
- Không thêm đường, nhưng không có nghĩa là không có carbohydrat. Cùng cảnh báo áp dụng cho các sản phẩm có nhãn “không thêm đường”. Những thực phẩm này không chứa các thành phần đường cao và không thêm đường trong quá trình chế biến hoặc đóng gói, nhưng chúng vẫn có thể chứa nhiều carbohydrat.
- Rượu đường cũng chứa carbohydrat và calo. Tương tự như vậy, các sản phẩm có chứa rượu đường – như sorbitol, xylitol và mannitol – không có nghĩa là có ít carbohydrat hoặc calo.
Lượng chất béo trong thực phẩm
- Xem xét kỹ và biết tổng lượng chất béo trong một khẩu phần của sản phẩm. Cố gắng luôn chọn thực phẩm có 5 gram chất béo hoặc ít hơn cho mỗi khẩu phần. Chọn thực phẩm có 3 gram hoặc ít hơn mỗi khẩu phần chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa.
- Khi đọc một nhãn thực phẩm, hãy nhớ rằng nếu thực phẩm đó chứa dưới 0,5 gram chất béo chuyển hóa trong mỗi khẩu phần, thì các nhà sản xuất được phép liệt kê lượng chất béo chuyển hóa là “0 gram”. Điều này có nghĩa là thức ăn của bạn có thể chứa một lượng chất béo chuyển hóa nào đó, ngay cả khi nhãn dinh dưỡng ghi là “0 gram” trong mỗi khẩu phần!. Luôn luôn kiểm tra chất béo chuyển hóa trong thành phần nguyên liệu. Chất béo chuyển hóa có thể được liệt kê là “dầu thực vật hydro hóa” hay “dầu thực vật hydro hóa một phần”. Chất béo chuyển hóa thường được sử dụng trong các loại bánh nướng, món rán, các loại bánh snack và bơ thực vật. Cholesterol chỉ nên ăn dưới 300 miligram mỗi ngày (bệnh tim ăn dưới 200 miligram).
Lượng Natri trong thực phẩm
- Xem xét kỹ và biết tổng lượng muối trong một khẩu phần của sản phẩm. Nên hạn chế ăn muối ở mức 600 mg mỗi ngày khi bạn bị đái tháo đường. Với tiền đái tháo đường, lượng natri vẫn nên được theo dõi, mục tiêu là ít hơn 2000 mg mỗi ngày.
Trong bệnh thừa cân-béo phì: Các chất dinh dưỡng cần quan tâm: năng lượng khẩu phần, chất béo chuyển hóa (trans fat), lượng đường (sugar)
Mối liên quan giữa đọc nhãn mác thực phẩm và thừa cân – béo phì
- Tạo thói quen đọc nhãn thực phẩm trước khi ăn hoặc uống bất kỳ mặt hàng thực phẩm đóng gói nào. Mục tiêu của các nhãn ghi rõ các thành phần dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm là cung cấp thông tin liên quan đến chất lượng thực phẩm và để ngăn ngừa các bệnh như béo phì. Một nghiên cứu tác dụng của đọc nhãn thực phẩm đối với bệnh béo phì, cho thấy chỉ số BMI trung bình của những người đàn ông đọc nhãn thực phẩm thấp hơn 0,12 điểm so với những người không đọc. Với phụ nữ, sự khác biệt về chỉ số BMI trung bình ở người đọc nhãn thực phẩm cao hơn nhiều, ở mức 1,49 điểm. Điều này cho thấy sự cần thiết phải kết hợp thói quen đọc và hiệu quả của việc đọc nhãn thực phẩm trong việc quản lý và thậm chí ngăn ngừa béo phì.
- Một nghiên cứu khác (2018) kết luận rằng có mối quan hệ giữa nhận thức và sử dụng nhãn thực phẩm và béo phì, giáo dục về cách đọc nhãn phải là bắt buộc giúp người tiêu dùng quản lý và kiểm soát béo phì.
- Khi đang cố gắng giảm cân hoặc duy trì cân nặng khỏe mạnh, đọc nhãn thực phẩm là một kỹ năng thiết yếu. Đọc nhãn thực phẩm không chỉ cho biết lượng calo tiêu thụ khi ăn một loại thực phẩm cụ thể, mà còn có thể cung cấp thông tin hữu ích về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Đọc nhãn là chìa khóa để giảm cân thừa và cải thiện chất lượng và số lượng thực phẩm ăn vào.
Các bước giúp hiểu và sử dụng thông tin trên nhãn mác thực phẩm
- Xác định kích cỡ khẩu phần: Sử dụng thông tin này để tính toán số lượng gần đúng của các phần ăn đang tiêu thụ tại một thời điểm. Nếu một gói thực phẩm chứa nhiều phần ăn, người đọc nên nhân kích cỡ khẩu phần trên nhãn với số phần. Ví dụ: nếu 7 chiếc là một kích cỡ khẩu phần, nhãn trên bao bì chỉ ra lượng calo và các thành phần dinh dưỡng khác của 7 chiếc. Tuy nhiên, toàn bộ gói thực phẩm này có thể chứa 14 chiếc. Vì vậy, nếu ăn tất cả 14 chiếc, người tiêu dùng đã tiêu thụ gấp đôi lượng calo được đưa ra trên nhãn thực phẩm.
- Tính lượng calo tiêu thụ: Trong kích cỡ khẩu phần sẽ tìm thấy số lượng tổng lượng calo và calo từ chất béo trong mỗi khẩu phần. Nhân mỗi giá trị này với số lượng khẩu phần tiêu thụ để xác định tổng năng lượng và số năng lượng từ chất béo. Ví dụ: nếu một sản phẩm có tổng lượng calo là 100 kcal và 50 kcal từ chất béo cho mỗi khẩu phần, thì 2 phần ăn sẽ chứa tổng năng lượng là 200 kcal và năng lượng từ chất béo là 100 kcal.
- Đánh giá chất béo, cholesterol và natri: Lượng chất béo, cholesterol và natri hàng ngày nên được hạn chế. Đối với hàm lượng chất béo, chú ý tập trung vào chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa ghi trên nhãn. Các chất béo chuyển hóa trong thực phẩm lý tưởng nên bằng không. Chất béo bão hòa nên cung cấp khoảng 5 % đến 6 % lượng calo hàng ngày. Nhiều loại thực phẩm có cholesterol cao không ghi trên nhãn thực phẩm. Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa ảnh hưởng đến mức cholesterol nhiều hơn so với cholesterol trong chế độ ăn. Tính toán lượng chất dinh dưỡng tiêu thụ bao nhiêu dựa trên thông tin được cung cấp bởi nhãn thực phẩm. Nhãn thực phẩm liệt kê tổng số lượng của mỗi chất dinh dưỡng trên mỗi khẩu phần, cũng như tỷ lệ phần trăm của lượng khuyến nghị hàng ngày trong mỗi khẩu phần. Ví dụ: nếu nhãn thực phẩm có chất béo tổng số là 9 g; 9 %, một khẩu phần ăn này có chứa 9 gram chất béo, chiếm 9 % lượng chất béo khuyến nghị hàng ngày.
- Đánh giá chất xơ, vitamin, canxi và sắt: Mỗi người phải tiêu thụ đủ lượng chất xơ, vitamin, canxi và sắt mỗi ngày. Có thể bỏ qua tổng lượng carbohydrat nhưng xem xét hàm lượng chất xơ. Chọn thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao.
- Đánh giá lượng đường: Đường là thành phần phổ biến nhất mà hiện có trong một số mặt hàng thực phẩm, như ngũ cốc ăn sáng, bánh mì, sữa chua, bánh ngọt, soda… Tránh các thực phẩm có cho thêm đường dưới mọi hình thức, ví dụ, đường nâu, mật ong, sucrose hoặc fructose. Có thể tìm thấy tên của đường trong nhãn thực phẩm bằng cách xác định các tên kết thúc bằng các chữ cái “ose”, như fructose, dextrose và maltose.
Lưu ý: tất cả các tỷ lệ phần trăm được liệt kê trên nhãn thực phẩm đều dựa trên chế độ ăn 2.000 calo. Tùy thuộc vào tuổi, cân nặng, chiều cao, hoạt động thể chất và các đặc điểm khác, lượng calo khuyến nghị có thể thấp hơn hoặc cao hơn. Chất dinh dưỡng nào chiếm 5 % DV trở xuống là thấp và 20 % DV trở lên là cao.
Trong bệnh loãng xương: Các chất dinh dưỡng cần quan tâm: can xi, vitamin D, năng lượng, protein
Lượng canxi trong thực phẩm
- Hàm lượng canxi trong thực phẩm rất khác nhau (trái cây, rau và các loại đậu), nhãn hiệu và lượng canxi được thêm vào thực phẩm tăng cường. Đọc nhãn thực phẩm là một cách dễ dàng để tìm hiểu hàm lượng canxi trong một khẩu phần thực phẩm, giúp chọn thực phẩm có chứa canxi theo nhu cầu.
- Nhãn thực phẩm không liệt kê canxi theo miligam (mg). Thay vào đó, nhãn thực phẩm liệt kê % giá trị liều hàng ngày (% DV) cho canxi trong mỗi khẩu phần. Khi nhãn thực phẩm ghi 100% DV cho canxi tương đương với 1000 mg canxi mỗi ngày.
Một số nhãn thực phẩm ghi “nguồn canxi tốt” hoặc “bổ sung canxi”. Hàm lượng canxi trong một loại thực phẩm khác nhau tùy thuộc vào thành phần.
Lượng Vitamin D trong thực phẩm
- Hàm lượng vitamin D của thực phẩm được tìm thấy trên nhãn thực phẩm và được biểu thị bằng % giá trị liều hàng ngày. Giá trị hàng ngày (DV) không nên bị nhầm lẫn với các khuyến nghị. Người lớn dưới 50 tuổi nên tiêu thụ 400 – 800 đơn vị quốc tế (IU) hoặc 10 – 20 mcg vitamin D mỗi ngày. Người lớn từ 50 tuổi trở lên nên tiêu thụ 800 – 1000 IU hoặc 20-25 mcg mỗi ngày.
- Mặc dù giá trị hàng ngày không nên được coi là lượng vitamin D được khuyến nghị hiện tại, có thể sử dụng% DV cho vitamin D được liệt kê trên nhãn thực phẩm để tìm ra hàm lượng vitamin D (IU) trên mỗi khẩu phần thực phẩm.
- Biết cách đọc nhãn thực phẩm sẽ giúp tìm thấy thực phẩm có vitamin D. Không phải lúc nào nhãn thực phẩm cũng liệt kê hàm lượng vitamin D, nó thường được liệt kê khi bổ sung vitamin D.
Thực hành đọc nhãn mác thực phẩm
Đối tượng sử dụng
Trên nhãn mác một số sản phẩm ghi đối tượng đặc biệt mà loại thực phẩm đó dành riêng, như: sữa công thức cho trẻ 1-3 tuổi hay sữa ít béo, sữa bà bầu, sản phẩm cho người tiểu đường… Khi mua hàng cần xem xét kỹ thông tin trên và lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Thành phần dinh dưỡng
Các thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì thực phẩm thường là tỷ lệ chất đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Thông thường, các thành phần này được sắp xếp theo thứ tự từ chất có trọng lượng cao đến chất có trọng lượng thấp.
Ví dụ: một hộp nước sốt cà chua với cà chua là nguyên liệu chính sẽ được liệt kê đầu tiên. Gia vị hoặc thảo mộc được liệt kê cuối cùng vì có trọng lượng thấp nhất. Đọc thành phần với tỷ lệ tương ứng giúp biết rõ thực phẩm sử dụng, chứ không chỉ dựa trên quảng cáo, như: một loại mì được nói là làm từ khoai tây nhưng thành phần ghi khoai tây chỉ chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ.
Người tiêu dùng cũng cần để ý các tên gọi khác nhau của một thành phần, như: trên nhãn không ghi có đường (sugar) nhưng lại có ghi là có “mật”, hay không gọi bột ngọt mà là natri glutamat hay monosodium glutamate…
Đặc biệt, những người đang thực hiện chế độ ăn kiêng, bị dị ứng hoặc có bệnh lý phải ăn theo chế độ riêng càng cần kiểm tra kỹ danh sách thành phần dinh dưỡng, để xem có sử dụng được không.
Ngoài ra, trên một số sản phẩm còn có thể ghi rõ chất béo trong thành phần là loại có bão hòa hay không, có chứa cholesterol hay không… và dựa vào đó có thể chọn cho mình loại phù hợp, nhất là người tiểu đường, mỡ máu, huyết áp.
Một số thực phẩm, bên cạnh các thành phần chính, nhà sản xuất có thể bổ sung vi chất, ví dụ sữa trẻ em thường được tăng cường canxi, vitamin D3… và người tiêu dùng cũng nên để ý khi mua xem có phù hợp với nhu cầu sử dụng không.
Lượng calo trên một khẩu phần ăn
Một khẩu phần ăn hay còn gọi là khối lượng ăn trong một lần (Serving) thường được chuẩn hóa, thường là trên 100 g hay 100 ml. Lượng calo là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến trọng lượng. Vì vậy, điều đầu tiên cần biết trên nhãn hiệu thực phẩm là lượng calo trên một kích cỡ khẩu phần. Ví dụ, trên một hộp sữa tươi, nhà sản xuất thường ghi tỷ lệ thành phần và lượng calo của 100 ml sữa, nhưng thể tích thực của hộp sữa thường là 110 hay 180 ml…
Thành phần nguyên liệu
Càng có nhiều nguyên liệu thì sản phẩm càng chứa nhiều chất bảo quản. Đường có thể ghi thành “ tinh thể mía”, hay chất tạo ngọt thì biến thành “nước cốt lê”. Người tiêu dùng cần phân biệt giữa đường tự nhiên và đường được cho thêm vào sản phẩm.
Hướng dẫn sử dụng
Mỗi loại thực phẩm có cách bảo quản riêng. Trên bao bì từng sản phẩm, nhà sản xuất thường ghi cụ thể cách bảo quản để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. Hãy đọc kỹ phần này và tuân thủ. Có một số thực phẩm khô có thể trữ ở nhiệt độ thường, tại nơi thoáng mát hoặc tránh ánh nắng mặt trời. Đồ cấp đông phải được để trên ngăn đá, ngăn đông trước khi dùng. Một số khác có thể giữ trong tủ lạnh tại ngăn mát. Sản phẩm tốt có thể trở nên vô giá trị hoặc gây độc nếu bảo quản sai cách.
Thông tin dị ứng
Các loại hạt, động vật giáp xác, cá, sữa, trứng, đậu nành và lúa mì phải được ghi rõ trên bao bì. Các loại ngũ cốc nếu có chứa gluten hoặc có lượng sulphit vượt mức 10 mg/kg cũng phải ghi rõ.
Ngày sản xuất, hạn sử dụng
Trên bao bì thực phẩm, các nhà sản xuất thường ghi ngày sản xuất và hạn dùng để chỉ sản phẩm đó tốt nhất nên sử dụng trước thời điểm nào cho đảm bảo chất lượng. Bất cứ loại thực phẩm nào, sử dụng càng tươi mới càng tốt, càng tới ngày cận date thì chất dinh dưỡng càng hao hụt và độ tươi ngon cũng giảm đi.
Thông thường, nhà sản xuất thường ghi ngày trong hạn sử dụng ngắn hơn chất lượng sản phẩm cho phép. Ví dụ: một sản phẩm có thể sử dụng tới 18 tháng sau ngày sản xuất, nhưng trên nhãn mác, doanh nghiệp ghi hạn dùng là sau 12 hoặc 15 tháng, để bù trừ khoản hao hụt chất dinh đưỡng và đảm bảo chất lượng tốt nhất. Như vậy, khi đến ngày hết hạn không có nghĩa là sản phẩm không dùng được nữa.
Tuy nhiên, tốt nhất nên sử dụng trước thời hạn trên bao bì, vì về mặt cảm quan đơn thuần thì khó đánh giá được chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn, đến ngày hết hạn nhưng thực phẩm “có vẻ” vẫn ngon, không bốc mùi… thì cũng không có nghĩa là vi khuẩn chưa xâm nhập hay sản phẩm vẫn đảm bảo.
Ngoài việc để ý đến hạn sử dụng, người tiêu dùng cần quan sát xem bao bì sản phẩm có rách, méo, hở hoặc phồng bất thường không, khi sử dụng có mùi vị khác lạ (chua, khét, gây buồn nôn…) nếu có, nên loại bỏ.
Tên, địa chỉ nhà sản xuất
Tên, địa chỉ nhà sản xuất phải được ghi rõ ràng, cụ thể, xác thực. Nên chọn những nhãn hiệu sản phẩm quen thuộc, có uy tín. Không mua các sản phẩm mà tên và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc nơi chế biến đóng gói không rõ ràng, viết tắt, dễ gây hiểu lầm và đó có thể là hàng nhái, hàng giả.
Tiêu chuẩn, cấp phép
Các sản phẩm thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng phải được cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng, độ an toàn rồi cấp phép. Điều này thường được ghi rõ trên nhãn. Vì vậy, khi lựa chọn, nên xem sản phẩm đã được cấp phép chưa, theo tiêu chuẩn, mã số rõ ràng và quy chuẩn.
Tài liệu tham khảo
- https://www.fda.gov/food/nutrition-education-resources-materials/how-understand-and-use-nutrition-facts-label
- https://www.unlockfood.ca/en/Articles/Nutrition-Labelling/Decoding-the-Nutrition-Label.aspx
- https://www.healthline.com/nutrition/how-to-read-food-labels#misleading-claims
- https://www.accessdata.fda.gov/scripts/InteractiveNutritionFactsLabel/#intro
- https://www.fda.gov/food/nutrition-education-resources-materials/guide-older-adults-using-nutrition-facts-label
- Cheftel JC. Food and nutrition labelling in the European Union. Food Chemistry. 2005;93(3):531–550
- Hawkes C. Nutrition labels and health claims: the global regulatory environment. Geneva: World Health Organization, 2004.
- Van der Merwe D, Bosman M, Ellis S (2014). Consumers’ opinions and use of food labels: results from an urban-rural hybrid area in South Africa.
- Bovell-Benjamin A, Bromfield E. Nutrition and bioavailability: sense and nonsense of nutrition labeling. Ensuring global food safety. In: Boisrobert C, Stjepanovic A, Oh S, Lelieveld H, editors. San Diego: Academic Press, 2010; p. 289–309.
- Food and Agriculture Organization of the United Nations,World Health Organization. Codex Alimentarius: Food labelling. FAO. 2007.
- Temple NJ, Fraser J. Food labels: a critical assessment. Nutrition. 2014;30(3):257–260.
- Neuhouser ML, Kristal AR, Patterson RE. Use of food nutrition labels is associated with lower fat intake. J Am Diet Assoc. 1999;99(1):45–53
- Fitzgerald N, Damio G, Segura-Perez S, et al. Nutrition knowledge, food label use, and food intake patterns among Latinas with and without type 2 diabetes. J Am Diet Assoc. 2008;108(6):960–967.
- Guthrie JF, Fox JJ, Cleveland LE, Welsh S. Who uses nutrition labelling and what effect does label use have on diet quality? J Nutr Educ. 1995;27:163–172.
Phụ lục
MỘT SỐ KHUYẾN CÁO VỀ SO SÁNH DINH DƯỠNG ĐƯỢC PHÉP GHI NHÃN
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương)
- Về năng lượng:
– Thấp calo: 40 kcal (170kJ) trên 100 g (dạng rắn) hoặc 20 kcal (80kJ) trên 100 ml (dạng lỏng).
– Không calo: 4 kcal trên 100 ml (dạng lỏng).
- Về chất béo:
– Hàm lượng chất béo thấp: 3 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc 1,5 g trên 100 ml (dạng lỏng).
– Không có chất béo: 0,5 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc trên 100 ml (dạng lỏng).
- Về hàm lượng chất béo no bão hòa:
– Hàm lượng chất béo no bão hòa thấp: 1,5 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc 0,75 g trên 100 ml (dạng lỏng) và cung cấp 10% năng lượng từ chất béo no bão hòa.
– Không có chất béo no bão hòa: 0,1 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc 0,1 g trên 100 ml (dạng lỏng).
- Về hàm lượng cholesterol:
– Thấp cholesterol: 0,02 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc 0,01 g trên 100 ml (dạng lỏng).
– Không có cholesterol: 0,005 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc 0,005 g trên 100 ml (dạng lỏng). Ít hơn 1,5 g chất béo no bão hòa trên 100 g (dạng rắn) hoặc 0,75 g chất béo no bão hoà trên 100 ml (dạng lỏng) và cung cấp 10% năng lượng từ chất béo no bão hòa.
- Về hàm lượng đường:
– Không có đường: 0,5 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc 0,5 g trên 100 ml (dạng lỏng).
- Về hàm lượng muối sodium:
– Ít muối : 0,12 g trên 100 g.
– Rất ít muối: 0,04 g trên 100 g.
– Không có muối: 0,005 g trên 100 g.
- Về protein:
– Là nguồn bổ sung protein: Cung cấp 10% giá trị dinh dưỡng tham khảo trong 100 g (dạng rắn) hoặc cung cấp 5% giá trị dinh dưỡng tham khảo trong 100 ml (dạng lỏng). Cung cấp 5% giá trị dinh dưỡng tham khảo cho 100 kcal (12% giá trị dinh dưỡng tham khảo cho 1 MJ) hoặc cung cấp 10% giá trị dinh dưỡng tham khảo cho một lần ăn.
– Hàm lượng protein cao: Cao gấp 2 lần giá trị của nguồn bổ sung protein.
- Về vitamin và chất khoáng:
– Là nguồn bổ sung vitamin và chất khoáng: Cung cấp 15% giá trị dinh dưỡng tham khảo trong 100 g (dạng rắn) hoặc cung cấp 7,5% giá trị dinh dưỡng tham khảo trong 100 ml (dạng lỏng). Cung cấp 5% giá trị dinh dưỡng tham khảo cho 100 kcal (12% giá trị dinh dưỡng tham khảo cho 1 MJ) hoặc cung cấp 15% giá trị dinh dưỡng tham khảo cho một lần ăn.
– Hàm lượng vitamin và chất khoáng cao: Cao gấp 2 lần giá trị của nguồn bổ sung vitamin và chất khoáng.
- Về chất xơ:
– Là nguồn bổ sung chất xơ: 3 g trên 100 g3 hoặc 1,5 g trên 100 kcal. Hoặc cung cấp 10% giá trị tham khảo hàng ngày cho một lần ăn.
– Hàm lượng chất xơ cao: 6 g cho 100 g3 hoặc 3 g cho 100 kcal. Hoặc cung cấp 20% giá trị tham khảo hàng ngày cho một lần ăn.