Cấp tính: Ô nhiễm kim loại nặng trong nước, thực phẩm có thể gây nên những hậu quả khôn lường cho sức khoẻ, ô nhiễm nặng thường gây những biểu hiện ngộ độc cấp tính, đặc hiệu gây tử vong. Ví dụ: khi ngộ độc thuỷ ngân, bệnh nhân thường có biểu hiện có vị kim loại trong cổ họng, đau bụng, nôn, xuất hiện những chấm đen trên lợi, bị kích động, tăng huyết áp, sau 2-3 ngày thường chết vì suy thận. Nếu ngộ độc cấp bởi Asen (thạch tín), nạn nhân có thể biểu hiện nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, khát nước dữ dội, mạch tim đập yếu, nhợt nhạt rồi thâm tím, bí đái và tử vong nhanh chóng. Trong nhiễm độc chì cấp tính khi ăn phải một lượng chì 25- 30 gam, nạn nhân thoạt tiên có thể thấy vị ngọt, rồi chát, tiếp theo là cảm giác nghẹn ở cổ, chảy máu thực quản, dạ dày, nôn ra chất trắng (chì clorua) đau bụng dữ dội, ỉa chảy, phân đen (chì sunfua), mạch yếu, tê chân tay, co giật và tử vong.
Mạn tính: Đây là tình trạng nguy hiểm và thường gặp hơn do nhiều lần ăn, uống phải thức ăn, đồ uống có hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng, chúng nhiễm và tích luỹ dần rồi gây hại cho cơ thể. Nơi tích luỹ là gan, thận, não rồi đào thải dẫn qua đường tiêu hoá và đường tiết niệu. Khi cơ thể tích luỹ một lượng đáng kể chì sẽ dần dần xuất hiện các biểu hiện nhiễm độc như hơi thở hôi, sưng lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, thường gây xẩy thai ở phụ nữ có thai. Ngộ độc mạn tính do tích luỹ những liều lượng nhỏ Asen trong thời gian dài có thể gây các biểu hiện như: da mặt xám, tóc rụng, viêm dạ dày ruột, đau mắt, đau tai, có asen trong nước tiểu, gây yếu dần và kiệt sức.
Đề phòng ô nhiễm và ngộ độc thực phẩm do nhiễm kim loại nặng:
Từ việc phân tích các con đường ô nhiễm các kim loại nặng trên có thể thấy vấn đề phòng ô nhiễm là rất cần thiết. Cần đẩy mạnh tuyên truyền gắn liền với các giải pháp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường đất, nước và không khí khỏi nguy cơ ô nhiễm. Cần có luật bảo vệ môi trường và xử lý nước thải công nghiệp.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia