Trong điều kiện bình thường mỗi người cần uống từ 1,5- 2,0 lít nước/ngày. Nhu cầu về nước trong những ngày nóng bức, những ngày mùa đông mà có độ ẩm thấp (hanh khô), trong khi lao động thể lực hay tập luyện thể dục thể thao, trong tình trạng bị sốt, phụ nữ đang cho con bú tăng đáng kể so với bình thường, còn trong ngày trời lạnh nói chung sẽ phải hơi giảm.
Khi lao động, tập luyện thể lực căng thẳng trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, cơ thể có thể mất nước theo đường mồ hôi tới 30g/kg cân nặng/giờ (người cân nặng 60kg có thể ra 1,8lít mồ hôi/giờ), do đó người ta khuyến cáo, trước khi lao động hay tập luyện thể dục thể thao cơ thể phải ở trạng thái cân bằng nước. Để đạt được điều này thì trong vòng 2 giờ trước khi vận động, uống 400 – 600ml nước (chia làm nhiều lần uống) và trong khi lao động phải tiến hành bổ sung nước sớm oil à thể mà không chờ đến khi có cảm giác khát. Sau mỗi 15 – 20 phút uống khoảng 150 – 200ml nước, uống nước có nhiệt độ khoảng 15 – 20 °C sẽ tăng nhanh khả năng tiêu tháo nước qua dạ dày vào ruột và thấm vào máu.
Vào mùa nóng thì nên uống nước mát, còn vào mùa lạnh thì uống nước ấm. Không uống nước đá hay nước quá nóng trên 45oC để tránh ảnh hưởng đến lớp men răng và lớp niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày. Uống nước lạnh rất nguy hiểm đối với các bệnh nhân bị thấp khớp, bệnh gút, bệnh về bàng quang, viêm họng mạn, có thể gây tái phát các bệnh này.
Khi uống nước nên uống từ từ, từng ngụm nhỏ, mỗi lần không nên quá 150 – 200ml. Chỉ nên uống nước trước và sau bữa ăn khoảng 30 – 40 phút để tránh pha loãng dịch vị làm giảm hoạt tính của các men tiêu hóa thức ăn. Không nên uống một lúc quá nhiều cho “đã’’ cảm giác khát nước vì như vậy sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày, tim và hệ thống tuần hoàn, thận.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia