Thập niên 80, Mỹ đã cấm sử dụng Clenbuterol vào thức ăn gia súc. Vào năm 1990, Trung Quốc cũng cấm sử dụng Clenbuterol trong chăn nuôi gia súc. Ở một số nước đã xảy ra những vụ ngộ độc nhiều người khi ăn phải thịt heo bị nhiễm Clenbuterol với những biểu hiện: chóng mặt, lo lắng bất an, tim đập nhanh, khó thở, ù tai, run tay, đau cơ và nhức đầu…
Loại thuốc đáp ứng nhu cầu tăng trọng, tăng khối cơ nạc nhanh cho gia súc nhiều nhất là Salbutamol, Clenbuterol….Trên thế giới, các chất này đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi từ lâu. Từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt nam cũng có quyết định cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng một số hóa chất, kích thích tố trong đó có Clenbuterol, Salbutamol.
Hai chất này thuộc nhóm Beta – Agonists, là nhóm các hoóc môn tự nhiên, có nguồn gốc từ các Catecholamines (Adrenaline, Noradrenaline và Dopamine), Đây là hai hóa chất có tác dụng giãn phế quản, được dùng làm thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nếu sử dụng Salbutamol, Clenbuterol Khi trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm, các chất này có tác dụng chính là làm giảm nhanh lượng mỡ trong cơ thể động vật( bằng cách giải phóng acid béo tự do từ mô mỡ), tăng trọng nhanh, do thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, mông, vai nở hơn, làm tăng lượng thịt nạc, giảm tối đa lượng mỡ, làm thịt nạc có màu đỏ đậm hơn. Các chất kích thích này, khi vào cơ thể gia súc, gia cầm, chỉ một phần nhỏ bị bài tiết ra ngoài cơ thể, một phần bị chuyển hóa, còn phần lớn tồn dư lâu trong cơ (thịt nạc) và các cơ quan trong cơ thể vật nuôi (gan, thận…), ngay cả khi đã được chế biến ở nhiệt độ cao.
Theo các nhà khoa học Salbutamol, Clenbuterol được hấp thụ dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng thịt sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Nếu ăn thịt tồn dư hóa chất có thể bị ngộ độc tức thời hoặc ngộ độc trường diễn với các triệu chứng như đã nêu ở trên, với phụ nữ có thể có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, rối loạn giới tính thai nhi khi mang thai….
Đối với lợn có sử dụng chất kích thích tăng trọng và tạo nạc: Khi lợn còn sống, da có độ căng khác thường, trương mòng, có cảm giác như ứ nước bên trong, trên da còn xuất hiện đốm đỏ; lợn đi đứng nặng nề, thậm trí còn bại liệt do xương bị mục (giòn); thịt lợn có nạc nhiều (nạc gần sát với da), mỡ ít, chỉ mỏng khoảng 0,4 cm (bình thường dày 1,5cm-2,5cm), màu đỏ như thịt bò, không còn mềm mại (thịt lợn bình thường có màu hồng tự nhiên và mịn), thịt tích nước nhiều, có độ ẩm cao, khi nấu nướng bị mất chất béo và không có mùi vị thơm ngon. Người ăn phải thịt gia súc nuôi bằng những hóa chất trên sẽ bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, có nguy cơ bị ngộ độc rất cao. Clenbuterol sẽ gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người. Đối với gia súc khi ăn phải chất này chỉ có thể tồn tại được quá nửa tháng là phải giết mổ do xương bị mục.
Do tác hại đối với sức khỏe con người nên Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine đã bị Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấm sử dụng nhiều năm nay.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia