Để giúp bánh chưng để được lâu trong dịp Tết chúng ta cần phải chú ý những điều sau:
Khi mua bánh chưng về không được cho vào túi nilon mà cần treo lên, nếu trời nồm phải cho vào ngăn mát của tủ lạnh. Thường thì bánh sẽ để được 5 ngày. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh được 15-20 ngày nhưng bánh chưng sẽ bị rắn, lại gạo. Nếu luộc bánh chưng bằng thùng tôn hoa, bánh sẽ có màu xanh rất đẹp, nếu luộc thùng nhôm hay thùng inox bánh có màu lá xanh nâu. Khi mua nên chọn bánh có màu xanh nâu vì thùng tôn chứa nhiều tạp chất kim loại, tuy cho bánh màu xanh nhưng không tốt cho sức khoẻ. Theo các nhà sản xuất bánh mốc là do lá, do vậy lá để gói bánh phải rửa thật sạch, sau đó dựng góc nhà cho ráo nước, tránh nơi có gió. Khi mua bánh người tiêu dùng nên chọn bánh gói nhiều lá là tốt.
Khi luộc chín phải vớt bọt rồi vớt bánh chưng ra, dùng bàn chải cọ qua trong thùng nước lạnh, rồi xếp bánh thành hàng và ép cho ráo nước. Không được ngâm bánh vào nước lã dù ngâm bánh sẽ có màu bánh đẹp. Nếu ngâm bánh mà sau đó ép dối, đọng nước, sẽ gây mốc, thiu bánh. Để bánh không chua không được ngâm gạo quá lâu mà vo sạch, để ráo nước, khi nào gói bánh lại vẩy nước, trộn muối xóc đều. Bánh ngọt, nhân mật, mứt sen, mứt bí thậm chí nhân mật nhưng lại gói chung với thịt mỡ để được lâu hơn bánh mặn. Nhưng khi luộc bánh ngọt phải luộc riêng và luộc lâu hơn.
Bánh chưng bị mốc thường là mốc từ ngoài vào do nấm mốc có trong không khí. Tốt nhất là khi gói bánh chưng phải dùng lá sạch, nên gói chắc tay, nhân bánh phải tươi sạch, khi luộc xong phải rửa bánh khi đang nóng vì khi này bánh đang nở to, nước lã không vào được. Để nguội nước lã sẽ vào và gây hỏng bánh.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia