Các loài côn trùng như dế, ve, nhộng, châu chấu, kiến, bọ xít, bò cạp, ấu trùng kiến, ấu trùng bọ cánh cứng, ấu trùng các loài sâu bướm, nhộng… Từ lâu côn trùng vẫn được coi là những món ăn lạ, thơm ngon, hấp dẫn. Côn trùng nếu chế biến đúng cách đảm bảo vệ sinh có thể cung cấp hàm lượng dinh dưỡng và protein cao hơn so với thịt và cá. Chúng có hàm lượng protein cao, rất giàu các vi chất đồng, sắt, magiê, mangan, photpho, selen và kẽm. Tuy nhiên có một số loài côn trùng có độc mạnh không thể ăn được, hay các dạng ấu trùng của chúng khi đào lên có thể bị nhiễm nấm độc.
Do trong đất luôn có chứa rất nhiều bào tử nấm độc nên gặp độ ẩm, nhiệt độ, môi trường sinh trưởng thích hợp thì chúng nhiễm vào các con côn trùng, ấu trùng để phát triển và phát tán mạnh.
Điều nguy hiểm là côn trùng, ấu trùng bị các bào tử nấm độc nhiễm vào vẫn giữ nguyên hình dạng. Nhưng phủ tạng bên trong của côn trùng đã bị các sợi tơ nấm độc mọc, phát tán và biến đổi toàn bộ thành một khối sợi nấm độc. Khi đó nếu sờ vào sẽ thấy thân cứng và mắt của con nhộng có màu trắng đục (trong khi những nhộng ve nếu còn sống thì mắt màu đen, thân mềm và có cử động). Khi bẻ thân các con nhiễm nấm đã chết này ra sẽ nhìn thấy màu trắng đục giống như khúc củ khoai mì (sắn) tươi sống, có mùi của thực vật. Người tiêu dùng hãy cảnh giác vì khi đó chúng đã trở thành một cây nấm thật sự và có độc tính, không thể ăn, nếu ăn sẽ nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong.
Khi ăn phải côn trùng nhiễm nấm này sẽ bị ngộ độc. Các triệu chứng ngộ độc chủ yếu là triệu chứng thần kinh, như chóng mặt, nôn ói, co giật tay chân, tăng tiết, cứng hàm, kích thích, lơ mơ, mê sảng, hôn mê… các triệu chứng nhiều hay ít tùy theo mức độ nhiễm độc, lượng đã ăn, cơ địa người ăn.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia