Đối với người khỏe mạnh, protid (chất đạm) sau khi ăn sẽ được cơ thể chuyển hóa tạo ra một số sản phẩm trung gian và các axit amin (là sản phẩm chuyển hóa cuối cùng của chất đạm để cơ thể có thể hấp thu được). Trong quá trình trao đổi chất, phần lớn chất cặn bã sẽ được thận thải ra ngoài. Nhưng ở người bị bệnh thận, chức năng thận bị suy giảm, khả năng thải loại sẽ kém đi. Nếu ăn uống không thích hợp, lượng chất thải bao gồm cả các sản phẩm chuyển hóa trung gian của protid trong cơ thể tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho thận, làm cho chức năng thận càng xấu đi và có thể rất nguy hiểm. Do đó khi chức năng thận đã suy yếu, cần hạn chế thức ăn giàu protid để giảm gánh nặng cho thận. Tuy nhiên, có một số loại protid cơ thể không tổng hợp được mà phải lấy từ thức ăn, đó là “axit amin thiết yếu”. Khi chức năng thận kém cần theo nguyên tắc ăn giảm chất protid, nhưng vẫn phải bảo đảm đủ lượng axit amin thiết yếu. Những axit amin do cơ thể tự tổng hợp được thì có thể dùng các thức ăn thay thế khác. Như vậy sẽ làm giảm lượng chất cặn bã, rất có lợi cho việc bảo vệ thận, giúp bệnh không tiến triển nặng thêm. Muốn thế cần chọn loại thức ăn có chứa các axit amin thiết yếu và ăn với lượng vừa phải. Các thức ăn này phần lớn có nguồn gốc động vật như: cá, trứng, thịt nạc, sữa…, còn các loại thức ăn chứa nhiều chất đạm có nguồn gốc thực vật như sữa đậu nành, đậu phụ, đậu đỗ và chế phẩm thuộc họ đậu, lượng axit amin thiết yếu thấp, người bị bệnh thận không nên ăn nhiều loại này.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia