Dinh dưỡng có liên quan mật thiết với sự hình thành đục thủy tinh thể. Chế độ ăn giàu đường galactose (một thành phần của đường lactose trong sữa) sẽ khiến chất này tích tụ ở mắt, làm mất cânbằng nước và điện giải của thủy tinh thể, dẫn đến tăng sinh tế bào sợi gây đục thủy tinh thể. Người bị đái tháo đường, đường huyết quá cao, ảnh hưởng thay đổi lực thẩm thấu, tạo thành sự tụ kết đường trong thuỷ tinh thể làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể hơn.
Thủy tinh thể bị đục cũng giống như tấm kính bị mờ không nhìn rõ được bên ngoài. Nếu bị đục hoàn toàn, hình ảnh sẽ không vào được võng mạc, gây mù. Bệnh đục thủy tinh thể thường gặp ở người trên 50 tuổi, diễn tiến từ từ, khi ra ánh sáng, mắt sẽ khó chịu nhưng không bị đau nhức. Sau đó, bệnh nặng hơn, mắt như nhìn qua một lớp kính mờ, thấy một điểm đen cố định trên nền mắt sáng, dần dần bệnh nhân không còn nhìn thấy gì. Việc điều trị bằng phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo cho kết quả tốt nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo kết quả và đủ điều kiện để mổ. Điều quan trọng là phải biết cách phòng ngừa bệnh.
Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể là thiếu oxy, tăng lượng nước, giảm protein. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm: tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, ánh sáng nhân tạo (đèn pha sân khấu, trường quay phim, đèn cao áp…), tiếp xúc với virus, vi khuẩn, chất độc của môi trường, khói (thuốc lá, máy xe, nhà máy…). Sự tiếp xúc này sẽ làm tổn thương tiềm tàng thành phần protein của thủy tinh thể, làm mất dần protein và dẫn đến đục thủy tinh thể.
Chế độ dinh dưỡng có liên quan mật thiết với sự hình thành đục thủy tinh thể. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa và chức năng gan tốt sẽ có tác dụng giúp phòng ngừa bệnh. Người bị đục thủy tinh thể có khuynh hướng thiếu vitamin C, đồng, mangan, kẽm. Beta-carotene giúp “dọn dẹp” tốt các gốc tự do – một tác nhân gây tổn hại mắt, bảo vệ mắt không bị những tổn thương liên quan đến ánh sáng. Còn taurin là một acid amin chính trong thủy tinh thể, có khả năng làm chậm sự khởi phát của bệnh.
Để phòng ngừa đục thủy tinh thể, cần lưu ý:
- Ăn nhiều đậu lăng (lentils), hành, tỏi, rau bina (spinach), bắp cải, giá, quả và hạt đậu tươi.
- Khám phát hiện và điều trị suy giáp, đái tháo đường, tăng cholesterol và triglycerid máu.
- Chọn ăn những thực phẩm chứa nhiều protein có giá trị cao như thịt nạc, cá nạc, sữa bò, sữa đậu nành, đậu phụ…để bổ sung protein và acid amin. Nên ăn nhiều rau tươi và trái cây có nhiều carotene và vitaminC như cà rốt, cà chua, ớt ngọt, rau chân vịt, xà lách, bắp cải, quả hồng, táo tây, lê, cam, bưởi…
- Nếu làm việc trong phòng có máy lạnh, phải giành thời gian cho mắt nghỉ ngơi, mỗi giờ nên nhắm mắt khoảng 2 phút, ra ngoài hít thở khí trời. Quanh văn phòng hay nhà ở nên có cây xanh để không khí được lọc trong lành.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia