Đường là thành phần dinh dưỡng nằm trong nhóm Gluxit và bao gồm nhóm đường đơn (monosaccharid) như: glucose, fructose, galactose…; nhóm đường đôi (disaccharid) như: sucrose,
lactose, maltose…; nhóm đường phức tạp (polysaccharid): tinh bột, glycogen…. Đường là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho các hoạt động của cơ thể. Nhưng ăn nhiều đường đặc biệt là các loại đường đơn có nhiều trong bánh kẹo, nước ngọt sẽ có hại cho sức khỏe. Nếu thường xuyên ăn nhiều đường sẽ làm đường huyết trong máu tăng cao, tuyến tụy phải làm việc quá tải nhiều sẽ dễ bị suy yếu, làm tăng nguy cơ bị Đái tháo đường, mặt khác khi đường huyết cao, đặc biệt là với trẻ em, sẽ ức chế tuyến tiêu hóa làm giảm cảm giác ngon miệng muốn ăn, ảnh hưởng đến việc bổ sung các dinh dưỡng cần thiết khác, từ đó dẫn đến dinh dưỡng không đầy đủ. Ngoài ra, nếu ăn quá nhiều đường năng lượng dư ra sẽ chuyển hóa thành chất béo tích tụ lại trong cơ thể, làm tăng cân, mỡ cao trong máu, dẫn đến mất cân đối hình thể vì quá béo và ảnh hưởng không tốt đến chức năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh về Tim mạch, Đái tháo đường… và có thể gây bệnh ung thư. Những người ăn nhiều đường thì khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu rất thấp, đặc biệt là vitamin A, C, B12, canxi, phốtpho, magiê và sắt…
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia