Khẩu phần và thói quen ăn uống
Khi chế độ ăn cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu, nếp sống làm việc tĩnh lại, ít tiêu hao năng lượng sẽ làm cân nặng cơ thể tăng lên. Nhiều người thường khó kiểm soát chế độ ăn của mình. Các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ cần ăn dư ra 70 Kcalo mỗi ngày sẽ dẫn tới tăng cân mặc dù số calo này nhỏ có thể không nhận ra dễ dàng, nhất là khi ta ăn những thức ăn giàu năng lượng. Các loại thức ăn giàu chất béo thường ngon miệng nên người ta dễ bị ăn quá thừa mà không biết. Khẩu phần ăn có nhiều mỡ, đường dễ làm tăng cân.
Các thói quen khác như ăn nhiều cơm, ăn nhiều vào bữa tối, thích ăn các thức ăn chứa nhiều năng lượng (chè ngọt, bánh kẹo, nước ngọt, thịt mỡ, đồ ăn nhanh, thức ăn xào rán (chiên), quả ngọt nhiều …, ăn ít rau là những thói quen không tốt có thể dẫn đến nguy cơ bị béo phì.
Hoạt động thể lực
Hoạt động thể lực tham gia vào quá trình thiết lập cân bằng giữa năng lượng tiêu hao và năng lượng nạp vào cơ thể do đó có vai trò hết sức quan trọng đối với tình trạng thừa cân – béo phì. Mặt khác, hoạt động thể lực còn giúp cơ thể chuyển hóa tích cực. Cùng với yếu tố ăn uống, sự gia tăng tỷ lệ béo phì thường đi song song với giảm hoạt động thể lực trong lối sống tĩnh tại.
Một điểm đáng lưu ý là những người hoạt động thể lực nhiều thường ăn thức ăn giàu năng lượng nhưng khi điều kiện làm việc và lối sống thay đổi, hoạt động thể lực giảm, nếu vẫn giữ thói quen ăn nhiều họ thường dễ bị béo. Điều này giải thích cho hiện tượng béo phì ở tuổi trung niên, các vận động viên sau khi giải nghệ hay những công nhân lao động chân tay sau khi về hưu.
Trẻ em ở thành phố có tỉ lệ béo phì cao hơn ở nông thôn, ngoài tác động do điều kiện kinh tế, trẻ sống ở môi trường thành phố hầu như thiếu cơ hội để vui chơi bên ngoài, ngoài thời gian ngồi học trên lớp, chúng thường ở nhà xem tivi, xem quảng cáo đồ ăn trên tivi, chơi điện tử và tìm đến thức ăn để được thỏa thích. Trẻ em nông thôn có nhiều cơ hội để hoạt động ngoài trời, tham gia một số công việc đồng ruộng giúp cha mẹ nên ít béo phì hơn.
Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền có vai trò nhất định đối với béo phì. Trẻ có cha mẹ béo phì thường bị béo phì. Trong số trẻ béo phì, khoảng 80% có cha hoặc mẹ bị béo phì, 30% có cả cha và mẹ bị béo phì. Gia đình có nhiều cá nhân bị béo phì thì nguy cơ béo phì cho những thành viên khác là rất lớn. Tuy nhiên trên cộng đồng, vai trò của yếu tố di truyền này không lớn. Mặt khác, một gia đình có nhiều thành viên bị béo phì có thể còn liên quan đến chế độ ăn uống chung của toàn hộ gia đình đó.
Hiện nay người ta đã có những bằng chứng kết luận rằng: béo phì thường do yếu tố môi trường tác động lên những cá thể có khuynh hướng di truyền. Và dinh dưỡng giữ vai trò hàng đầu trong số các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến hiện tượng thừa cân – béo phì.
Yếu tố kinh tế
Ở các nước đang phát triển, kinh tế còn nghèo, tỉ lệ người béo ở tầng lớp nghèo thường thấp. Nguyên nhân chính là do nguồn cung cấp thực phẩm còn hạn chế, năng lượng tiêu hao nhiều không chỉ do lao động chân tay nặng nhọc mà tiêu hao năng lượng còn tăng lên do đi lại chủ yếu bằng phương tiện thô sơ hay đi bộ. Ngược lại, ở cộng đồng có điều kiện kinh tế – xã hội tốt hơn, tỷ lệ béo phì thường cao hơn.
Nhưng ở các nước công nghiệp phát triển, sự thiếu ăn không còn phổ biến nữa, tỷ lệ béo phì lại thường cao ở tầng lớp nghèo, ít học so với các tầng lớp khá giả hơn. Nguyên nhân là do tầng lớp nghèo vẫn giữ thói quen ăn uống không hợp lý, có nguy cơ đối với thừa cân; còn tầng lớp khá giả lại có kiến thức và xu hướng kiểm soát tốt hơn tình trạng béo phì so với tầng lớp nghèo.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia