Còi xương là một bệnh loạn dưỡng xương do thiếu hoặc rối loạn chuyển hóa vitamin D trong cơ thể. Bệnh do cơ thể thiếu hụt vitamin D, làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, chuyển hóa canxi và phốt pho (là những chất cần thiết cho sự phát triển của xương). Còi xương hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, vì lứa tuổi này hệ xương đang phát triển nhanh. Hậu quả của bệnh còi xương thường ảnh hưởng xấu đến phát triển thể chất, tinh thần và vận động của trẻ. Bệnh còi xương còn có thể gây biến dạng xương và tử vong do mắc thêm các bệnh nhiễm khuẩn nhất là viêm phổi.
Còi xương không chỉ ảnh hưởng đến hệ xương mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh – cơ.
Các dấu hiệu sớm của bệnh còi xương biểu hiện ở hệ thần kinh: trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra mồ hôi trộm, rụng tóc phía sau đầu.
Nếu không được điều trị, dần dần xuất hiện các triệu chứng ở xương. Tuỳ theo từng lứa tuổi mà biến đổi ở xương khác nhau:
- Ở trẻ nhỏ: xương sọ mềm, đầu dễ bị méo mó, đầu bẹt phía sau hay một bên do tư thế nằm, thóp rộng, chậm liền, răng mọc chậm, men răng xấu
- Ở trẻ lớn hơn: Đầu to có bướu, thường có biến đổi xương lồng ngực, có chuỗi hạt sườn. Các xương chi xuất hiện vòng cổ tay, cổ chân. Các cơ nhẽo làm trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi, đứng đi.
- Nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng ở hệ xương như: lồng ngực biến dạng, gù vẹo cột sống, chân tay cong, chân vòng kiềng (hình chữ O), chân chữ bát (hình chữ X), khung chậu hẹp.
Các biến dạng của xương là giảm chiều cao của trẻ, hạn chế chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi và ảnh hưởng xấu đến sinh đẻ sau này đối với trẻ gái. Ngoài ra trẻ còn bị xanh xao, thiếu máu và hay bị viêm phổi tái đi tái lại.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia