Các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ là di truyền, dinh dưỡng, môi trường và một số yếu tố khác. Trong đó, dinh dưỡng (31% – 32%); di truyền (23%); rèn luyện thể lực (20%); môi trường sống, bệnh tật… (25% – 26%).
Sự tăng trưởng và phát triển của trẻ không phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố di truyền mà còn chịu sự chi phối rất lớn của chế độ dinh dưỡng và môi trường sống đặc biệt là giai đoạn 2 năm đầu đời.
Một đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng chế độ dinh dưỡng kém và sống trong môi trường vệ sinh kém sẽ không thể đạt được chiều cao và cân nặng bình thường.
Dinh dưỡng có ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển, đặc biệt là chiều cao của trẻ trong 2 năm đầu và tuổi dậy thì. Bởi vậy trong giai đoạn này cần cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cùng với sống trong môi trường sạch sẽ, yên lành để đáp ứng nhu cầu cơ thể đang lớn nhanh của bé.
Con của các ông bố, bà mẹ thấp bé nhẹ cân vẫn có thể có tốc độ lớn ở mức bình thường (không bị suy dinh dưỡng) nếu trẻ được chăm sóc, ăn uống đầy đủ, đúng cách, tuy nhiên khó có thể đạt chiều cao vượt trội như con của những ông bố, bà mẹ có cân nặng và chiều cao tốt.
Nếu trẻ quá nhỏ so với tuổi, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám để có lời khuyên dinh dưỡng hợp lý.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia