Khi trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn, hoặc nhiễm virus thường có sốt cao, vật vã. Khi sốt cao chuyển hoá cơ bản tăng lên, cứ sốt tăng 1ºC thì chuyển hoá cơ bản tăng lên 13%. Vì vậy, nhu cầu về nước, năng lượng, protid (đạm), vitamin và muối khoáng tăng lên rất nhiều. Do sốt cao ức chế bài tiết các men tiêu hoá, trẻ thường chán ăn, vì vậy phải cho trẻ ăn những thức ăn lỏng dễ tiêu hoá, và uống nhiều nước hơn bình thường.
Các loại thực phẩm thường dùng cho trẻ bị sốt cao là: các loại quả tươi, như cam, chanh, quýt, bưởi…(chứa nhiều vitamin C); dưa hấu, dưa bở, xoài…(chứa nhiều Beta-caroten) các loại thực phẩm giàu chất đạm như sữa mẹ, sữa đậu nành, sữa bò, trứng, thịt, tôm…
Trẻ dưới 6 tháng tuổi: bú mẹ nhiều lần hơn, nếu trẻ không bú được, mẹ vắt sữa vào cốc rồi cho trẻ uống thìa.
Trẻ từ 7 tháng tuổi trở lên: ngoài bú mẹ, cho trẻ ăn bột, cháo, súp, nấu loãng hơn bình thường với thịt, trứng, tôm, cá, rau xanh và dầu mỡ, cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày (từ 6 – 8 bữa), uống thêm nước quả tươi, nước rau, sữa đậu nành, sữa bột pha theo công thức. Khi trẻ đỡ sốt cho ăn dần trở lại chế độ ăn bình thường, tăng cả về số lượng và chất lượng.
Khi sốt thì không phải ăn kiêng, nhưng không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn cứng, khô, chế biến sẵn, thức ăn nhiều mỡ khó tiêu và nóng quá hay lạnh quá.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia