Chế độ ăn hàng ngày cần cung cấp đủ vitamin A và Caroten. Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Vitamin A chính cống chỉ có trong thức ăn động vật, chế độ ăn của trẻ cần được ưu tiên thức ăn giàu vitamin A (trong 100 gam thịt gà có 120 mcg vitamin A; trong 100 gam gan lợn có 6000 mcg vitamin A; trong 100 gam cá trê có 93 mcg vitamin A; trong 100 gam lòng đỏ trứng gà có 960 mcg vitamin A….Khẩu phần ăn của trẻ cần có đủ dầu, mỡ để giúp hấp thu tốt vitamin A. Một số rau, quả có màu vàng, đỏ, da cam chứa hàm lượng Bêta-caroten cao, đáng chú ý nhất là: cà rốt, rau dền, xoài, dưa hấu, đu đủ chín, cà chua, gấc… Caroten cũng có vai trò đối với sự nhìn ở ánh sáng rõ và nhìn màu, một phần nhỏ Caroten được chuyển thành vitamin A trong cơ thể . Nhưng theo các nghiên cứu gần đây không phải lúc nào Caroten cũng chuyển được thành vitamin A và tỉ lệ chuyển đổi này không cao.
Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ: Trẻ từ 6-36 tháng được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao. Trẻ trên 12 tháng đến 60 tháng uống bổ sung viên nang loại 200.000 đơn vị quốc tế (UI), trẻ dưới 12 tháng uống bổ sung viên nang loại 100.000 UI mỗi năm 2 lần vào dịp ngày Vi chất dinh dưỡng 1-2/06 và tháng 12. Đối với bà mẹ sau đẻ trong vòng một tháng cần được bổ sung một liều 200.000 UI vitamin A. Trẻ dưới 5 tuổi khi bị tiêu chảy, viêm đường hô hấp, lên sởi cần được uống 1 liều vitamin A liều cao 200.000 UI.
Phát hiện và điều trị kịp thời trẻ khô mắt: Trẻ có biểu hiện khô mắt do thiếu vitamin A cần phải được phát hiện và điều trị nhanh chóng, kịp thời. Tất cả các trường hợp mắc bệnh từ quáng
gà, khô kết mạc, vệt Bitot đến khô lóet giác mạc đều được cấp tốc điều trị theo phác đồ của Tổ chức y tế thế giới như sau:
- Ngay lập tức cho uống 200.000 UI.
- Ngày hôm sau uống tiếp 200.000 UI.
- Một tuần sau uống nốt 200.000 UI
Trẻ dưới 12 tháng dùng nửa liều trên (mỗi lần uống 100.000 UI) Cũng không nên tự ý mua và sử dụng vitamin A một cách tùy tiện cho trẻ. Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo khi thừa sẽ tích lũy và gây ngộ độc cho cơ thể với các biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, rối lọan kinh nguyệt ở người lớn; mệt mỏi, chậm tăng cân, tăng áp lực sọ não (thóp phồng căng, não úng thủy), đau xương ở trẻ em.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia