Để phòng chống thiếu máu thiếu sắt hay còn gọi là thiếu máu dinh dưỡng cho trẻ em, trước hết cần phòng chống thiếu máu cho người mẹ, vì đứa con khi còn là bào thai đã nhận chất sắt từ người mẹ để phát triển và có một chút dự trữ. Sau đẻ, trẻ tiếp tục nhận được sắt qua nguồn sữa mẹ.
Ở trẻ nhỏ cần được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý, trẻ lớn hơn cần có chế độ dinh dưỡng đủ cả về số lượng và chất lượng.
Bữa ăn của trẻ cần đủ năng lượng và các loại thực phẩm giàu sắt. Hàng ngày nên cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu sắt có nguồn gốc từ động vật như: thịt đỏ (lợn, bò…), gan (gà,lợn, bò), trứng, sữa, tôm, cua, cá, ốc… các loại thực phẩm này cũng là nguồn chứa loại sắt có tỷ lệ hấp thu cao đồng thời cũng là nguồn cung cấp chất đạm rất quan trọng cho trẻ. Ngoài ra các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại họ đậu: các sản phẩm chế biến từ đậu tương (đậu phụ, sữa đậu nành), đậu xanh, đậu đen, lạc và vừng cũng là nguồn cung cấp sắt quan trọng. Muốn hấp thụ sắt tốt thì cần ăn các thức ăn có chứa nhiều vitamin C như các loại rau (rau ngót, rau muống, mồng tơi, quả đậu…), quả chín (chuối, đu đủ, cam, bưởi…)
Bên cạnh chế độ ăn, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ, quan tâm vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường để tránh nhiễm giun, đặc biệt là giun móc giữ một vai trò quan trọng trong phòng chống thiếu máu ở trẻ em.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia