Sau 6 tháng trẻ cần được ăn bổ sung, có thể cho trẻ ăn bột hay ăn cháo nấu với nhiều loại thực phẩm để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ. Nhiều bà mẹ khi xay bột cho trẻ thường cho thêm đậu xanh, ý dĩ, hạt sen… vào xay lẫn với suy nghĩ đó là công thức bột tốt cho trẻ. Công thức này cứ được người nọ truyền người kia và ngay cả các cơ sở sản xuất bột để bán cho trẻ cũng cho nhiều loại đậu đỗ (đỗ xanh, đỗ đỏ, hạt sen…) vào bột mà không biết điều đó có tốt cho trẻ thực sự không? Đậu đỗ thuộc nhóm thức ăn giàu đạm, nhưng là đạm thực vật, lượng các axit amin cần thiết trong đậu, đỗ không nhiều và cân đối bằng trong thức ăn động vật (thịt, cá, trứng, sữa…). Đậu đỗ nghèo các axit amin chứa lưu huỳnh (Methionin, Cystin), nhiều loại nghèo cả Tryptophan và Isoleucin là những axit amin cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin D cũng chỉ có trong thức ăn động vật. Sắt trong thức ăn động vật cao hơn và cũng dễ hấp thu hơn so với đậu đỗ. Trong đậu đỗ có nhiều axit phytic gây cản trở hấp thu canxi và sắt, đặc biệt là trong lớp vỏ ngoài. Do vậy việc tiêu hóa và hấp thu đậu đỗ đối với trẻ nhỏ sẽ khó khăn hơn, mặt khác đậu đỗ cũng dễ làm trẻ bị dị ứng hơn, trẻ em cần được ưu tiên thức ăn động vật. Hạt sen và Ý dĩ là những vị thuốc đông y, trong thành phần chủ yếu là tinh bột, có một lượng đạm thực vật tương đối tốt và một số khoáng chất chủ yếu là natri, kali, canxi, phốt pho; ngoài tác dụng dinh dưỡng hạt sen còn có tác dụng an thần, ý dĩ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Nhưng khi cho nhiều các thành phần vào bột để xay cho trẻ tạo nên lượng đạm thực vật trong bột khá cao sẽ khó tiêu hóa hơn, mặt khác bắt trẻ ăn thường xuyên một công thức như vậy trẻ sẽ chóng chán (ngay cả khi nấu với các thực phẩm khác), thành phần bột đa dạng như vậy nếu bảo quản không tốt sẽ dễ bị nấm mốc, chưa kể chất lượng các loại hạt được chọn cho vào xay lẫn với bột không đảm bảo vệ sinh như hạt mốc, không đúng hạt thật (hiện nay rất nhiều ý dĩ bán trên thị trường không phải là nhân hạt của cây ý dĩ như quy định của dược điển mà là hạt cây cao lương ở Trung qQốc). Như vậy khi xay bột cho trẻ chỉ nên xay bột gạo, có thể là 9 phần gạo tẻ và 1 phần gạo nếp; khi nấu cho trẻ sẽ phối hợp với các loại thực phẩm để đảm bảo đủ dinh dưỡng, các loại hạt trên (đậu đỗ, ý dĩ, hạt sen) có thể để riêng, thỉnh thoảng cho trẻ ăn thêm.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia