Theo quan niệm của các cụ trước kia nghĩ rằng, cho con ăn cơm sớm thì trẻ mau cứng cáp, chính vì vậy mà nhiều chị em phụ nữ hiện nay vẫn cho con ăn cơm sớm. Đó là một quan niệm sai lầm, không có cơ sở khoa học, mà ngược lại còn ảnh hưởng đến tiêu hoá, sức khoẻ và sự phát triển của trẻ.
Khi cho ăn cơm sớm, bộ máy tiêu hoá của trẻ còn non yếu, chưa thích ứng kịp thời từ chế độ ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ đến chế độ ăn đặc và cứng nhất là trẻ chưa có răng, lúc đó trẻ không nhai được cơm nên khó tiêu hoá dễ dẫn đến ỉa phân sống, rối loạn tiêu hóa. Đối với trẻ em thì chế độ ăn được tuần tự từ các thức ăn lỏng như sữa chuyển sang bột loãng, bột đặc rồi cháo, cơm nát và cơm chung với gia đình. Tuy nhiên tùy theo sở thích của từng trẻ nếu cháu đã chán cháo, bột lại thích ăn cơm thì cũng có thể cho ăn được khi 1 tuổi nhưng phải ăn cơm nát, mềm, chú ý bổ sung thịt cá, trứng, rau xanh… để tránh thiếu dinh dưỡng.
Nguyên tắc cho trẻ ăn cần thực hiện theo trình tự như sau:
- 6 tháng đầu hoàn toàn bú sữa mẹ.
- Từ 7 – 12 tháng: bú mẹ + 2 – 3 bữa bột đặc hoặc cháo xay.
- Từ 13 – 18 tháng: bú mẹ + 3 – 4 bữa cháo hoặc cơm nát.
- Từ 19 – 24 tháng: bú mẹ + 3 – 4 bữa cháo đặc hoặc cơm nát.
- Sau 24 tháng tập cho trẻ ăn cơm cùng người lớn.
Các bữa ăn của trẻ dù bột, cháo hay cơm đều phải có nhiều loại thực phẩm đại diện của 4 nhóm thức ăn (nhóm chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng).
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia