Bạn rất quan tâm và vô cùng cẩn thận khi lựa chọn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình? Tuy nhiên, bạn đã biết đọc các thông tin trên bao bì để yên tâm về độ an toàn cũng như giá trị dinh dưỡng thực phẩm đem lại?
Trên bao bì của thực phẩm luôn được nhà sản xuất ghi đầy đủ các thông tin về thành phần dinh dưỡng, hướng dẫn bảo quản, cách sử dụng… tưởng chừng rất đơn giản. Nhưng nếu không có kiến thức, không biết cách khai thác thì rất có thể chúng ta sẽ bị chính nhà sản xuất “bịt mắt” thông tin.
Chính vì vậy, ALO AKIO số 8 vào 9h – 10h sáng Chủ Nhật ngày 10/10/2021 nối tiếp những câu chuyện dinh dưỡng và sức khỏe với chủ đề HƯỚNG DẪN ĐỌC NHÃN MÁC THỰC PHẨM được chia sẻ bởi PGS. TS. BS. Nguyễn Đỗ Huy – GĐ Trung tâm đào tạo, Viện dinh dưỡng Quốc gia.
Theo “Dự thảo Những lời khuyên Dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030 (lần 2)” của Viện dinh dưỡng Quốc gia thì “Đọc nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng” được đưa vào lời khuyên thứ nhất trong tất cả mười lời khuyên để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó. Và tại ALO AKIO PGS. TS. BS. Nguyễn Đỗ Huy đã chia sẻ 3 nội dung chính về Đọc nhãn mác thực phẩm.
Các khái niệm về nhãn mác thực phẩm
Việc người tiêu dùng sử dụng các loại thực phẩm đóng gói sẵn là vô cùng phổ biến hiện nay, kéo theo đó có một hiện tượng gọi là thông tin bất cân xứng. Người mua sẽ phải đối mặt với một chiều thông tin từ sản phẩm qua nhãn mác thực phẩm. Các nhãn mác giúp người tiêu dùng có được thông tin về những điều cần tránh, giải thích việc sử dụng sản phẩm đúng cách để bảo vệ sức khỏe, cũng như cảnh báo cho người tiêu dùng về những rủi ro tiềm ẩn của sản phẩm thực phẩm. Và để đảm bảo rằng người tiêu dùng hiểu cách lưu trữ và chế biến an toàn, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối liên quan tốt giữa việc sử dụng nhãn dinh dưỡng và chế độ ăn. Những người sử dụng nhãn mác có khả năng lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn. Họ sẽ giảm tiêu thụ chất béo, natri, cholesterol, năng lượng đồng thời tăng tiêu thụ chất xơ, sắt, vitamin C.
Giới thiệu về nhãn mác thực phẩm
Nhãn thực phẩm bao gồm 2 vùng: Vùng hiển thị chính và vùng thông tin.
Vùng hiện thị chính là phần mà người tiêu dùng nhìn thấy đầu tiên khi chọn sản phẩm. Nó thường là mặt trước của sản phẩm.
Vùng thông tin thường nằm bên phải vùng hiển thị chính. Có 12 thông tin bắt buộc phải có trên nhãn mác bao gồm: Tên thực phẩm, thành phần dinh dưỡng, số lượng các thành phần, khối lượng tịnh, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản và sử dụng, tên và địa chỉ của công ty sản xuất, nhà phân phối, thông tin về thành phần gây dị ứng, nồng độ cồn (đối với những thực phẩm có cồn).
PGS. TS. Nguyễn Đỗ Huy mô tả chi tiết bảng thành phần dinh dưỡng của thực phẩm ứng dụng vào đời sống hàng ngày gồm có 6 phần chính: Kích cỡ khẩu phần, tổng năng lượng cho một khẩu phần, các chất dinh dưỡng cần hạn chế, các chất dinh dưỡng cần nhận đủ, các ghi chú về thành phần thực phẩm và hướng dẫn nhanh % giá trị liều hàng ngày.
Nhãn thực phẩm giúp chúng ta xác định tổng năng lượng và các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm chủ yếu là chất béo, đường, chất đạm, vitamin và khoáng chất, giúp cộng đồng lựa chọn một chế độ ăn hợp lý và tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó chất phụ gia trong thực phẩm cũng được PGS.TS. Huy lưu ý với cộng đồng về các quy định quốc tế. Cuối cùng là người tiêu dùng cần chú ý mã số khi lựa chọn hoa quả nhập khẩu.
Mục đích của ghi nhãn thực phẩm
Như vậy thì mục đính của ghi nhãn thực phẩm là cung cấp cho người tiêu dùng thông tin thực tế có liên quan tới sản phẩm tiêu thụ giúp cho chúng ta cải thiện sức khỏe về dinh dưỡng, thay đổi thói quen mua sắm và nhận thức được việc cần phải đọc nhãn mác thực phẩm.
Kết luận
Việc đọc nhãn mác thực phẩm, không chỉ để chắc chắn độ an toàn của sản phẩm mà còn đánh giá đúng chất lượng của nó. Nhờ đó mà người nội trợ, người tiêu dùng có lựa chọn thông minh, phù hợp với cho chính bản thân và gia đình thân yêu của họ.
Video chương trình: