X

Sự phát triển thai nhi tuần 31

Làm mẹ là điều tuyệt diệu nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Hành trình mang thai mẹ bầu sẽ trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Mỗi giai đoạn của thai kỳ, mẹ cần có những kiến thức hiểu biết nhất định để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh. Sự phát triển thai nhi tuần 31 có điều gì đặc biệt? Hãy cùng khám phá trong nội dung bài viết sau đây.

Sự phát triển thai nhi tuần 31 như thế nào?

Chỉ số thai nhi tuần 31 trung bình đạt chuẩn với chiều dài đầu đến chân khoảng 41cm và cân nặng ước tính là 1750g. Từ tuần này trở đi đến khi sinh, bé tập trung phát triển cân nặng. Tốc độ tăng cân sẽ nhanh hơn so với tốc độ tăng chiều dài của bé. 

Ngoài phát triển chiều cao cân nặng, trong tuần thai này bé cũng có thêm nhiều thay đổi như:

  • Sự phát triển các tế bào thần kinh và não bộ

Tế bào thần kinh đã được chuyên biệt hóa cho các giác quan khác nhau. Vì vậy, trong thời gian này tất cả các giác quan của bé đều đã hoạt động ổn định. Đặc biệt là mắt bé đã có thể phản ứng tốt với ánh sáng bên ngoài.

  • Thai nhi ít xoay mình hơn

Do lúc này kích thước của bé đã khá lớn nên bé khó có thể di chuyển tự do trong tử cung. Các vận động chủ yếu của bé là đạp, nấc cụt, ngoảnh đầu, quay đầu từ bên này sang bên kia. Ở tuần tuổi này, bé cũng dành nhiều thời gian hơn để ngủ. Vì vậy, các mẹ có thể thấy bé im lặng nhiều hơn.

  • Thai nhi quay đầu

Ngôi thai thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh nở của mẹ bầu. Ví thế, không ít phụ nữ mang thai băn khoăn rằng “thai nhi 31 tuần đã quay đầu chưa”? Trên thực tế, ở tuần thứ 31 của thai kỳ, một số thai nhi đã quay đầu. Đặc biệt, nếu đây là lần mang thai đầu tiên thì việc em bé quay đầu sớm cũng không có gì đáng lo lắng.

Những thay đổi của cơ thể mẹ bầu mang thai 31 tuần

Sự phát triển thai nhi tuần 31 cũng kéo theo những thay đổi mạnh mẽ trên cơ thể mẹ cả về thể trạng lẫn cảm xúc. Mẹ sẽ dễ dàng nhận thấy mình có những biểu hiện như:

  • Tăng cân nặng nhanh

Ở tuần thai kỳ thứ 31, mẹ bầu tiếp tục tăng khoảng 0.5kg trong tuần này. Đôi khi thai phụ có thể cảm thấy khó thở do phổi bị chèn ép bởi sự lớn lên của thai.

  • Cảm nhận được các cơn co thắt tử cung

Mẹ có thể cảm thấy cơ tử cung thỉnh thoảng bị siết chặt. Cơn co thắt này thường chỉ kéo dài khoảng 30 giây và không gây đau đớn. Nếu nhận thấy các cơn co thắt diễn ra thường xuyên, mẹ cần phải đi kiểm tra sức khỏe cho thai nhi. Bởi đây có thể là một dấu hiệu sinh non tuần 31. 

Nếu phải sinh non ở tuần tuổi này, nhờ vào sự hỗ trợ của y học hiện đại mà tỷ lệ sống sót của thai nhi cũng rất cao. Mẹ hãy để ý đến những dấu hiệu thay đổi bất thường của cơ thể, nhưng cũng không nên quá lo lắng nhé!

  • Bầu ngực tiết sữa non

Phần lớn mẹ bầu trong tuần thai này bắt đầu tiết sữa non. Sữa non thường có màu trắng hoặc vàng đục. Hãy sử dụng thêm đệm ngực để sữa không dây ra quần áo nếu mẹ bầu tiết nhiều sữa non trong tuần thai kỳ này.

  • Đau đầu

Đau đầu là triệu chứng thường gặp của phụ nữ mang thai 3 tháng cuối. Sự thay đổi của hormone và thiếu máu tuần hoàn lên não chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

  • Lo lắng và mệt mỏi

Những thay đổi thất thường của cảm xúc đã bớt dần trong những tháng cuối này. Tuy nhiên, tâm trạng thường xuyên của mẹ bầu lại là sự lo lắng và mệt mỏi. Sự nặng nhọc của cơ thể cùng những triệu chứng khó chịu tiền sản khiến rất nhiều chị em cảm thấy áp lực và lo lắng kéo dài. 

Để giải tỏa tâm lý này, mẹ nên dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ cho mình. Các hình thức giải trí như nghe nhạc, xem phim, đọc sách. Các hình thức thư giãn này không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng mà còn tốt cho sự phát triển của em bé.

  • Các triệu chứng và bệnh lý thường gặp

Thai nhi 31 tuần đồng nghĩa với việc mẹ và bé đang ở tuần thứ 3 của tháng thứ 7 trong thai kỳ. Ngoài sự thay đổi về thể trạng và cảm xúc, mẹ bầu mang thai 31 tuần còn có thể gặp các triệu chứng và bệnh lý khác như:

– Đi tiểu nhiều.

– Các vấn đề liên quan đến tiêu hóa (ợ nóng, ợ hơi, khó tiêu, trĩ, táo bón,…)

– Chuột rút.

– Khó thở.

– Đau chân và đau lưng.

– Mệt mỏi và lo lắng kéo dài.

Lời khuyên dành cho mẹ bầu 31 tuần

Hãy đảm bảo thực hiện khám thai định kỳ đều đặn để theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi và phát hiện sớm các dấu hiệu sinh non.

Sự phát triển thai nhi tuần 31 đã khá hoàn thiện nên tỷ lệ sống sót là khá cao. Tuy nhiên, lý tưởng và an toàn nhất vẫn là bé sinh ra ở tuần thứ 39 –  tuần 41 của thai kỳ.

Mẹ bầu cũng cần đặc biệt lưu ý đến hiện tượng tiền sản giật. Đây là biến chứng thai kỳ rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Nếu bạn đo huyết áp tại nhà và nhận thấy chỉ số huyết áp của mình trên 140/90 mmHg trong 2 lần đo cách nhau 4 giờ, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, mẹ cũng phải lưu tâm đến chế độ dinh dưỡng và tập luyện của bản thân. Ăn uống đầy đủ và luyện tập đều đặn giúp cả mẹ và bé nâng cao sức khỏe của mình.

Bây giờ là lúc thích hợp để mẹ lên kế hoạch cho việc sinh nở. Hãy chuẩn bị sẵn những đồ dùng cần thiết mang theo khi đi sinh. Bởi mẹ có thể trở dạ bất cứ lúc nào kể từ tuần thai kỳ này trở đi. 

Hy vọng những kiến thức về sự phát triển thai nhi tuần 31 trên đây sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.